Tiếp sức cho nông dân Hưng Yên làm giàu

10/06/2020
(VBSP News) Hơn 5 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo sự chuyển biến mới về nhận thức và thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Dòng vốn chính sách được khơi thông mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM; đặc biệt hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khôi phục, phát triển sản xuất tại địa phương.
hung yen

Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Hưng Yên tạo điều kiện cho người dân cải tạo ruộng đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả thu nhập cao

Tín dụng chính sách xã hội luôn được ghi nhận trong các Nghị quyết, Chỉ thị, lịch trình công tác thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Song song đó, toàn bộ hoạt động của NHCSXH tại địa bàn đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ cụ thể, sự phối kết hợp chặt chẽ từ các ban, ngành, hội, đoàn thể tiếp thêm sức mạnh ngoại lực thực thi nhiệm vụ huy động nguồn vốn và tổ chức chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Nhờ vậy, tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2015 đến nay toàn địa bàn đạt 4.043 tỷ đồng với 190.268 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi. Tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Hưng Yên đạt gần 2.840 tỷ đồng; trong đó dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể chiếm 99,3% và tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,04%.
Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 69 tỷ đồng.Từ nguồn lực tài chính tăng trưởng, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã phối hơp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội,  đoàn thể, chú trọng củng cố chất lượng hoạt động của hệ thống 161 Điểm giao dịch xã trong tỉnh và mạng lưới 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở mọi thôn, xóm để cho vay trực tiếp đến đúng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó, góp phần khôi phục mở mang làng nghề truyền thống, phát triển nhiều, mô hình giảm nghèo bền vững và mô hình kinh tế trang trại hiệu quả…
Tại tỉnh Hưng Yên, nguồn vốn chính sách đã giúp hơn 41 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết gần 10 nghìn lao động có việc làm và 220 lao động được vay vốn đi lao động nước ngoài để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; 834 hộ nghèo và 197 hộ có thu nhập thấp được xây dựng nhà ở kiên cố; gần 36 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng được gần 160 nghìn công trình NS&VSMTNT…
Từ đó, góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng dân cư. Hiện, 100% xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM; 12 xã hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2,0%.
Điển hình trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tín dụng chính sách đã chung sức, đồng lòng với các nguồn lực tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa; trong đó cây ăn quả được xác định là những cây có lợi thế về kinh tế, năng suất, thị trường tiêu thụ nên nhiều làng quê và gia đình đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến để mở rộng diện tích, thâm canh ruộng vườn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Nhiều nông sản có thế mạnh của tỉnh xuất hiện, được công nhận nhãn hiệu, thương hiệu cho thu nhập cao như: chuối tiêu hồng Khoái Châu, Kim Động, vải lai chín Phù Cừ, nhãn lồng Tiên Lữ. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các dự án, chương trình trọng tâm, trọng điểm như cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hô mới thoát nghèo trong toàn tỉnh nhiều tỷ đồng để chuyển đổi 8.000ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu là gia đình chị Vương Thị Chính ở thôn 5, xã Nhuế Dương đã 2 lần được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Khoái Châu để cải tạo chân ruộng trũng thành vườn trồng bưởi da xanh, chuối tiêu hồng. Mỗi năm, gia đình chị cung ứng từ 50 - 70 tấn sản phẩm đảm bảo chất lượng, thu nhập cả trăm triệu đồng tiền lãi.
Chủ tịch UBND xã Nhuế Dương Nguyễn Công Khanh cho biết: Nhà nước đã tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn chính sách có nguồn đầu tư làm ăn để giảm nghèo bền vững. Tuy vậy vào đúng lúc nông dân trong xã xuống giống cây trồng cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn về nhân công, tiền vốn. Ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, địa phương đã đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp cho từng hộ chính sách như: cấp cây con giống, hướng dẫn, tư vấn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây con mới; đặc biệt ngân hàng chính sách huyện còn về tận xã phối hợp với chính quyền, hội, đoàn thể chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát, thống kê chính xác những trường hợp vay vốn gặp khó khăn, đồng thời triển khai các chính sách đặc thù như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung đối với nông dân vay vốn gặp khó khăn do dịch bệnh để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Xuân cho biết: Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn vị đã chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, tăng cường kết hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho bà con chăm sóc cây trồng, vật nuôi để sinh ra nguồn vốn an sinh xã hội thoát nghèo; tuyên truyền cho bà con về chính sách vay vốn khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, tiếp tục đưa Chỉ thị số 40 vào cuộc sống; tập trung nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư các dự án, các mô hình SXKD nhằm đạt mục đích giúp dân giảm nghèo, làm giàu ngay trên miền quê hương.

Đông Dư

Các tin bài khác