HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2020
Đi giữa biển đảo quê hương

05/06/2020
(VBSP News) Khi nói về hai tiếng Trường Sa, thì chắc một điều rằng trong tâm tưởng của những ai đã từng đến với miền đất máu thịt của quê hương giữa biển khơi đều hiện hữu hình ảnh kiên cường, hiên ngang của những cây phong ba, phi lao, cây tra, bàng vuông… bất chấp sự hà khắc của thời tiết vẫn xanh tươi, vươn mình trong nắng gió. Đó chính là hình ảnh biểu trưng một cách sinh động nhất của những người lính đảo, không quản khó khăn, gian khổ, bất chấp hy sinh, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng chỉ để thực hiện một ý nguyện cao cả, thiêng liêng “giữ yên biển đảo quê hương”.
Các chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc vườn rau sau giờ huấn luyện

Các chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc vườn rau sau giờ huấn luyện

Trong suốt hải trình, đến với những người lính đảo, từ Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Trường Sa Đông, Đá Tây C, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1/12… ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự tiếp đón chu đáo, nồng hậu, hết sức tình cảm của những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Với mỗi người lính đảo, lòng dũng cảm, dạn dày sương gió không chỉ dễ dàng cảm nhận từ màu da rám nắng, mà nó đến từ trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Bởi giữa nơi trùng khơi, chỉ có niềm tin, tình yêu biển đảo quê hương, trọng trách với Tổ quốc, dân tộc mới thực sự là thành lũy vững chắc che chở cho họ. Chính sự quả cảm và tấm lòng sắt son vì sự vẹn toàn của chủ quyền đất nước đã trui rèn, giúp họ có được tinh thần và ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sự khắc nghiệt của thời tiết để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã xác định cho mình “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, những người chiến sỹ làm nhiệm vụ giữa bốn bề sóng nước luôn phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng có lẽ càng gian khó bao nhiêu thì càng ngời lên những nét tự hào và ý chí quyết tâm càng được tôi luyện. Dù điều kiện sinh hoạt, luyện tập còn gặp những khó khăn nhất định, song vượt lên trên hết, những người lính đảo đã biết sắp xếp hết sức khoa học cho thời gian biểu của mình.

Với mỗi chiến sỹ, ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, các anh còn dành thời gian để tăng gia sản xuất, chăn nuôi lợn, gà, vịt, trồng rau xanh các loại, đánh bắt hải sản… Trồng rau xanh ở đây đòi hỏi sự kỳ công hơn cả. Với các đảo nổi, diện tích lớn tuy có thuận lợi hơn so với các đảo chìm, nhưng việc trồng rau vẫn phải tuân thủ nguyên tắc phải được che chắn hết sức kín gió, tận dụng tối đa nước ngọt trong sinh hoạt để tưới rau. Đất trồng rau phải được quay vòng tối đa, được đưa vào các thùng xốp hoặc nhựa, phân bón hữu cơ có thể từ mùn rác của lá cây hoặc chất thải chăn nuôi. Thực tế, hầu hết các đảo hiện đã tự đảm bảo được nguồn rau xanh cho bữa ăn của chiến sỹ với chủng loại khá đa dạng, từ các loại rau xanh, các loại họ đỗ, các loại cây lấy củ, quả, các loại rau gia vị…

Ngoài việc tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, cán bộ chiến sỹ trên các đảo còn rất sôi nổi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Nếu như ở các đảo lớn, có sân vận động để tổ chức các môn bóng đá, bóng chuyền, thì các đảo chìm do điều kiện nên chỉ có thể dành riêng các khu nhà ở để đặt thiết bị phục vụ luyện tập thể thao như tạ, xe đạp tập, máy tập cơ, máy chạy bộ… Rượu bia và thuốc lá là những thứ cấm tuyệt đối trên đảo, cộng với chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách điều độ, khoa học, kỷ luật; cán bộ chiến sỹ được luyện tập thể lực, được chơi thể thao thường xuyên, vì thế luôn đảm bảo 100% quân số khỏe. Văn hóa, văn nghệ cũng là nét đẹp rất đặc trưng của lính đảo. Tuy không có nhiều các loại nhạc cụ như trong đất liền, nhưng sự say mê và lòng nhiệt tình giúp cho những tiết mục văn nghệ của lính đảo luôn rất sôi nổi, cuốn hút. Chỉ với những cây đàn ghi ta, kèn harmonica, sáo trúc hay bộ gõ bằng bất cứ vật dụng gì là lính đảo đã có một “bữa tiệc âm nhạc tươm tất và thịnh soạn” với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Với âm nhạc, lính đảo không cầu kỳ trong nhạc cụ nhưng luôn chau chuốt trong lời hát và phong cách thể hiện tự nhiên, phóng khoáng. Vì thế, những buổi biểu diễn văn nghệ trên mỗi đảo luôn tràn đầy tiếng cười, sự hồn nhiên và cảm xúc rất khác lạ với những ai có may mắn được hòa mình trong đó.

Theo Trung tá Hoàng Đức Chiến - Chính trị viên phó, Bí thư Đoàn thanh niên đảo Sơn Ca chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, trực quan sinh động, từ đó anh em luôn động viên nhau vượt qua khó khăn. Mỗi khi có đợt thay đổi quân số, đã thành quy ước bất thành văn, mỗi chiến sỹ khi ra tiếp cận nhiệm vụ hay hoàn thành nghĩa vụ về với đất liền đều có đóng góp những kỷ vật riêng cho đảo, dù chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, nhưng thể hiện trách nhiệm, là niềm động viên lớn giữa lớp chiến sỹ cũ và mới, tạo sự yên tâm, phấn khởi cho các thế hệ chiến sỹ tiếp sau làm nhiệm vụ”.

Với lính đảo, không chỉ có lòng quả cảm kiên trung, vững vàng trong thử thách trước giông bão, mà họ còn phải luôn xác định cho mình nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền biển đảo, phải luôn cảnh giác trước mọi diễn biến trên vùng biển đảo, trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Bởi thế, trong cuộc sống thường nhật trên đảo, dù còn khó khăn gian khổ, nhưng toát lên ở mỗi cán bộ, chiến sỹ là sự lạc quan, niềm tin tuyệt đối nơi hậu phương, sự khát khao cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Đó có lẽ là lý tưởng, là phương châm sống của những người lính đảo kiên trung.

Theo Báo Phú Thọ

Các tin bài khác