Tín dụng chính sách giúp người dân vượt khó

03/06/2020
(VBSP News) Các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Tiền Giang đã góp phần ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là trong giai đoạn hạn, mặn và dịch Covid-19 vừa qua.
tiên giang

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều gia đình tỉnh Tiền Giang tiếp tục sản xuất khắc phục giai đoạn khó khăn

Giải ngân kịp thời
Các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân trồng căy ăn trái, chăn nuôi, xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…, chưa kể việc gia hạn nợ, điều chỉnh chu kỳ nợ, cho vay bổ sung đã, đang được NHCSXH tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Lắm ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè là một trong những hộ dân vừa được NHCSXH giải ngân nguồn vốn vay 50 triệu đồng để trồng cây ăn trái. Ông Lắm cho biết, nguồn vốn chính sách giải ngân kịp thời đã giúp cho gia đình ông có điều kiện cải tạo lại vườn và trồng mới cây ăn trái.
Tương tự ông Lắm, bà Đặng Thị Hồng Điệp ở xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông cũng vừa vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò. Bà Điệp thuộc diện hộ nghèo trong xã Phú Đông. Bà Điệp cho biết, nhờ số tiền vốn vay này gia đình bà có điều kiện chăn nuôi để cải thiện sinh kế, cố gắng làm ăn, thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Rất nhiều hộ gia đình chính sách tỉnh Tiền Giang đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư, cải thiện sinh kế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa sau cơn hạn, mặn lịch sử và dịch Covid-19 diễn ra vừa qua. Bởi rất nhiều hộ dân tiếp cận nguồn vốn này để cải tạo lại vườn cây ăn trái, đầu tư vào chăn nuôi. Danh sách nhiều hộ cận nghèo ở các xã Mỹ Hạnh Trung (TX Cai Lậy), Tam Bình (huyện Cai Lậy), Long Hưng (huyện Châu Thành)… được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách vào mục đích trồng cây ăn trái đã cho thấy ý nghĩa của nguồn vốn này không ngừng được nhân rộng.
Đến hết tháng 5/2020, NHCSXH tỉnh Tiền Giang đã chủ động giải ngân cho 12.586 khách hàng, với doanh số cho vay đạt 344 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 2.625 tỷ đồng, tăng 67 tỷ đồng so với đầu năm 2020, với tỷ lệ tăng trưởng 2,6%. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tăng 17,8 tỷ đồng; chương trình NS&VSMTNT tăng 26,4 tỷ đồng; hộ SXKD vùng khó khăn tăng 1,8 tỷ đồng.
Theo đó, nguồn vốn chính sách đã giúp 4.355 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn làm kinh tế; 1.685 lao động có việc làm, thu nhập, 23 lao động đi xuất khẩu lao động; 717 hộ thực hiện phương án SXKD tại vùng khó khăn; xây dựng 5.060 công trình NS&VSMTNT, hỗ trợ xây dựng 14 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống.
Giảm nghèo bền vững
Cùng với tập trung nguồn vốn cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách hằng năm, NHCSXH tỉnh Tiền Giang cũng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Dương Văn Hoàng cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các khách hàng bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Tiền Giang bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, NHCSXH Việt Nam và chỉ đạo của UBND tỉnh để triển khai kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, NHCSXH tỉnh Tiền Giang đã và đang sẵn sàng triển khai các điều kiện để thực hiện chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài và ảnh An Phương

Các tin bài khác