Lộc Ninh sát cánh cùng người dân vượt qua đại dịch Covid-19

03/06/2020
(VBSP News) Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trong tỉnh, ảnh hưởng nặng nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trước thực trạng đó, NHCSXH huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục SXKD, ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
binh phuoc

Gia đình anh Nguyễn Quang Bình vay vốn chính sách nuôi bò

Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo theo những tác động tiêu cực của giá cả nông sản đã khiến người nông dân cùng lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thấy được khó khăn của người dân, NHCSXH huyện đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ kịp thời. Với 15 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, tính đến hết tháng 5/2020, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Lộc Ninh đã đạt hơn 343 tỷ đồng với 12.821 lượt hộ vay.
Lãnh đạo NHCSXH huyện Lộc Ninh cho biết trước tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều giải pháp cụ thể đã được đơn vị triển khai như: điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, gia hạn nợ đối với hộ vay gặp khó khăn. Mặt khác, rà soát, đánh giá các trường hợp rủi ro do dịch bệnh để đề nghị xử lý theo quy định của NHCSXH.
Những giải pháp này đã ngay lập tức cho thấy hiệu quả, tín dụng chính sách đã đến tận tay những trường hợp cần hỗ trợ. Điển hình như trường hợp vợ chồng anh Điểu Tâm, ấp 8C, xã Lộc Hòa. Trước đây, vợ chồng sống nhờ vào làm thuê. Dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến mọi hoạt động sản xuất bị đình trệ, giá cả nông sản xuống thấp càng làm cho nhu cầu sử dụng lao động thu hẹp. Cùng với đó, gần 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội càng làm cho gia đình anh Tâm thêm lo lắng cho bữa ăn hằng ngày. Mới thoát nghèo từ năm 2019, điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo của hộ anh Tâm khó tránh khỏi. Xét thấy khó khăn, NHCSXH huyện Lộc Ninh đã cho vay bổ sung 50 triệu đồng để chăn nuôi gia súc. “May mắn được NHCSXH huyện Lộc  Ninh cho vay 50 triệu đồng, vợ chồng tôi đã mua 2 con trâu. Mong là trâu khỏe mạnh, sớm sinh sản để gia đình có thêm thu nhập và không tái nghèo”, anh Điểu Tâm vui mừng nói.
Tương tự, bà Thị Cúc ở ấp 8C, xã Lộc Hòa chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của gia đình tôi. Trong khi gia đình tôi thuộc diện hộ mới thoát nghèo nay càng khó khăn do việc làm không ổn định, giá tiêu xuống thấp. Tháng 2/2020, gia đình tôi được xét cho vay vốn tại NHCSXH huyện Lộc Ninh 50 triệu đồng dành cho chương trình hộ mới thoát nghèo. Tôi lấy tiền đầu tư chăn nuôi trâu và giờ yên tâm phát triển kinh tế, bớt nỗi lo tái nghèo”.
Niềm vui từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Với sự hỗ trợ kịp thời bằng việc cho vay bổ sung nguồn vốn trong thời điểm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nông dân trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động trồng trọt, chăn nuôi phù hợp. Cùng với đó, NHCSXH huyện Lộc Ninh cũng thực hiện việc giãn nợ, gia hạn nợ cho nhiều hộ để yên tâm phát triển kinh tế.
Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Ninh Phan Thị Tầm cho biết, chỉ trong tháng 4, NHCSXH huyện đã điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 328 hộ vay, trên 8,3 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 65 hộ, trên 1,2 tỷ đồng và cho vay bổ sung trên 2,3 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ vốn vay, ngân hàng cũng thực hiện cơ chế xoay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình trả lãi, trả nợ. Bên cạnh đó, NHCSXH huyện đã rà soát kịp thời và nắm bắt những hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để hỗ trợ các hộ vay. Ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt trên cơ sở tuân thủ quy định của ngân hàng cấp trên, giúp các hộ vay giảm bớt gánh nặng, có thêm thời gian vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đơn cử như hộ anh Nguyễn Quang Bình ở ấp 8C, xã Lộc Hòa. Trước đây, hộ anh Bình vay 18 triệu đồng đầu tư nuôi dê và chăm sóc vườn tiêu. Nay đã đến hạn trả nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh và giá thấp nên chưa có điều kiện trả nợ. Vừa qua ngân hàng thông báo gia hạn nợ thêm 6 tháng đã giúp anh Bình vơi bớt lo lắng vì áp lực trả nợ. “Tôi cảm ơn Nhà nước đã tạo điều kiện cho cho gia đình vay tiền mua bò. Tôi cũng muốn trả nợ lắm nhưng do dịch bệnh, bò bán không được giá, giờ được gia hạn, tôi mừng lắm. Sắp tới, giá cả ổn định, gia đình sẽ bán bò hoàn trả lại tiền vay cho ngân hàng”, anh Bình nói.
Sự sâu sát, linh hoạt và kịp thời trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ đúng đối tượng, đến nay NHCSXH huyện Lộc Ninh đã góp phần giúp người nghèo, đối tượng chính sách từng bước vượt qua khó khăn trước mắt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19. Điều đó đã thể hiện rõ ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta trong các hoạt động tín dụng chính sách xã hội từ Trung ương đến cơ sở.

Bài và ảnh Quang Xuân

Các tin bài khác