Khơi thông nguồn vốn đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường

29/05/2020
(VBSP News) Từ nguồn vốn cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) của NHCSXH, nhiều hộ gia đình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có điều kiện đầu tư, xây mới, nâng cấp các công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư và nâng cao chất lượng cuộc sống.
baria

Được vay vốn NHCSXH, gia đình chị Lê Thị Hồng Châu ở thôn 9, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu đã đầu tư đường ống nhựa đưa nước về tận nhà

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Hơn 10 năm nay, các hộ dân ở thôn 9, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu không còn cảnh lo sợ mùa khô giếng cạn nước, phải xếp hàng chờ nhau để xách từng can nước về xài dần nữa. Thay vào đó, nước sạch đã được kéo về tận nhà để sử dụng. Gia đình chị Lê Thị Hồng là một ví dụ.
Trước đây, gia đình chị sử dụng nước giếng nên vào mùa khô nước cạn, nước thường bị phèn, không bảo đảm và phải đi xa hàng cây số để xin nước về sử dụng. Năm 2009, gia đình chị được vay vốn NHCSXH 10 triệu đồng để đầu tư đường ống nhựa dài 500m, kéo từ đường ống chính vào tận nhà. “Từ khi được lắp đặt hệ thống nước máy, chất lượng nước đã tốt hơn, vào mùa khô không sợ thiếu nước nữa”, chị Châu cho hay.
Ngoài số tiền được vay 10 triệu đồng để đầu tư đường ống nước, gia đình chị Châu còn được vay 10 triệu đồng để xây mới công trình vệ sinh, góp phần khắc phục nạn ô nhiễm môi trường.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Văn Trương cho biết: Từ năm 2006 đến nay, thực hiện chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tỉnh đã đẩy mạnh việc cho vay vốn đến các hộ dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 59.862 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 705 tỷ đồng,115.468 công trình được xây dựng. Trong đó, có 57.700 công trình nước sạch, 57.768 công trình vệ sinh. Tổng dư nợ đạt gần 448 tỷ đồng, tăng gần 443 tỷ đồng so với năm 2006, chiếm 19,1%/tổng dư nợ.
Việc sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh không những bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng dân cư mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Từ đó, hình thành nếp sống văn hóa - văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Tiếp tục hỗ trợ người dân vay vốn
Tính đến đầu tháng 4/2020, nhu cầu vốn tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đề xuất cần giải ngân cho vay trong quý II/2020 là 42 tỷ đồng với hơn 2.200 hộ vay vốn. Dự kiến, đến cuối năm 2020, nhu cầu nguồn vốn tăng thêm 20 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân nông thôn, NHCSXH tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời triển khai các giải pháp thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn, để bổ sung nguồn vốn cho quay vòng.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Chính phủ, chương trình tín dụng NS&VSMTNT được thực hiện đến hết năm 2020. Nếu chương trình không được tiếp tục triển khai thực hiện thì những hộ gia đình chưa có nước sạch sẽ không còn cơ hội. Đối với những hộ gia đình có các công trình NS&VSMTNT đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp sẽ không bảo đảm được sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Hiện nay, mức cho vay tối đa đối với 1 công trình 10 triệu đồng, trong khi giá cả về nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao. Do đó, không đáp ứng những chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình bảo đảm chất lượng. Nguồn vốn cho vay này chủ yếu lại là nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương chưa bố trí vốn chuyển sang NHCSXH cho vay nên việc tiếp cận nguồn vốn này có giới hạn.
Trước những bất cập trên, NHCSXH tỉnh mong muốn có thêm chính sách cho hộ dân tiếp tục được vay vốn chương trình cho vay NS&VSMTNT để cải tạo, xây mới công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Qua đó, góp phần xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thành công. Đồng thời, điều chỉnh tăng mức cho vay tối đa lên 15 triệu đồng/công trình.
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay chương trình này. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh hiện đạt 99,8%, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia là 90%. Tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có công trình vệ sinh hợp vệ sinh là 96%.

Bài và ảnh Phan Hà

Các tin bài khác