Thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách

28/05/2020
(VBSP News) Trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có hàng nghìn hộ dân đã vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH.
khanh hoa

Mô hình trồng rau của bà Đinh Thị Duân được vun đắp từ nguồn vốn vay ưu đãi

Hộ gia đình bà Đinh Thị Duân ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm là một trong hàng nghìn hộ nghèo của huyện Cam Lâm. Thế nhưng, bà đã được Hội Phụ nữ xã động viên tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để đầu tư phát triển hoạt động sản xuất.
Có được vốn, bà Duân đầu tư cho khu vườn diện tích 2.000m², trồng nhiều loại cây ngắn ngày như: bí đỏ, đậu ve, đậu rồng, rau ngót, đu đủ, hành, cà dĩa… Từ đó, gia đình bà đã có công việc ổn định.
Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, nỗ lực vươn lên, gia đình bà Duân đã thoát nghèo. Hiện, gia đình bà đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, cuộc sống ổn định nhờ thu nhập từ làm vườn. Bà Duân chia sẻ: Hiện giờ bà còn vay vốn chương trình hộ cận nghèo, rồi vốn xoay vòng của Hội Phụ nữ. Từ đó, đầu tư cho việc sản xuất nên gia đình có thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên đáng kể.
Trên địa bàn huyện Cam Lâm cũng còn có hàng nghìn trường hợp đã vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn tín dụng chính sách. Phó Giám đốc NHCSXH huyện Cam Lâm Châu Thị Diệu Trâm cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể để triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Nhờ đi sâu đi sát, kiểm soát chặt chẽ để nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo trên địa bàn. Đến nay, dư nợ của NHCSXH huyện Cam Lâm đạt hơn 404,4 tỷ đồng, tăng gần 8,9 tỷ đồng so với đầu năm, với 13.644 hộ còn dư nợ.
Với nguồn vốn và dư nợ khá lớn, NHCSXH huyện Cam Lâm đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng. Trong quý I, đơn vị tích cực phối hợp với UBND cấp xã đôn đốc xử lý thu hồi nợ quá hạn 707 triệu đồng. Đến ngày 31/3, dư nợ quá hạn còn 746 triệu đồng, giảm 7 triệu đồng (giảm 0,01%); tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,18% tổng dư nợ, thấp hơn so với tỷ lệ nợ quá hạn tín dụng chính sách chung toàn tỉnh 0,29% tổng dư nợ.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Cam Lâm tiếp tục phối hợp với UBND cấp xã, các hội, đoàn thể tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Qua đó, củng cố và nâng cao chất lượng vốn ủy thác của tổ chức hội cấp xã; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền nâng cao vai trò trách nhiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể và Ban quản lý thôn, tổ dân phố trong việc bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, mức vay hợp lý và khả năng trả nợ của hộ vay để đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng hiệu quả; xử lý kịp thời các trường hợp nợ quá hạn, nợ chây ì, nợ bị rủi ro; phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2%.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho người dân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp như: gia hạn nợ cho hộ vay bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền khoảng 15 tỷ đồng; xóa nợ cho khách hàng bị thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng; cho vay bổ sung, vay mới với doanh số cho vay 272 tỷ đồng…
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Khánh Hòa Hồ Đắc Thích cho biết: Để giúp người dân tiếp tục vay vốn SXKD, NHCSXH tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh, NHCSXH Trung ương tiếp tục cân đối bổ sung nguồn vốn để tiếp tục cho vay. Đặc biệt, đối với những hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ tiếp tục chuyển nguồn vốn sang NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Bài và ảnh Thái Hòa

Các tin bài khác