Cam Lâm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội

07/05/2020
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm cho vay vốn đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, góp phần giảm nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng.
Bà Đinh Thị Duân ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) trồng vườn rau từ nguồn vốn vay ưu đãi

Bà Đinh Thị Duân ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) trồng vườn rau từ nguồn vốn vay ưu đãi

Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế
Nhiều năm trước, gia đình bà Đinh Thị Duân thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn và được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ vay vốn NHCSXH, gia đình bà đã thoát nghèo. Hiện nay, bà đã xây được căn nhà mới khá khang trang, cuộc sống ổn định nhờ thu nhập từ làm vườn.
Với khu vườn diện tích 2.000m², bà Duân trồng nhiều loại cây ngắn ngày cho thu nhập ổn định như: bí đỏ, đậu ve, đậu rồng, rau ngót, đu đủ, hành, cà dĩa… Người chồng có sức khỏe không tốt nên gánh nặng gia đình đều đổ trên vai người phụ nữ này. Bà Duân cho biết, cả khu vườn đều do bà tự cuốc đất, hệ thống tưới phun bà cũng đi xem rồi về tự làm vì không có tiền thuê. Số tiền vốn vay NHCSXH dành cho hộ nghèo trả xong lại vay vốn hộ cận nghèo, rồi vốn xoay vòng của Hội Phụ nữ. Nhờ chịu khó làm lụng, hàng ngày, bà Duân đều đặn có nguồn rau, quả bỏ mối cho chợ, cho thu nhập ổn định để trả nợ ngân hàng.
Sau khi trả hết vốn vay từ chương trình HSSV, ông Nguyễn Hữu Vinh ở thôn Vĩnh Thái, xã Cam Hiệp Nam vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư trồng thêm xoài Úc trên diện tích đất 4.000m². Ông Vinh cho biết, ngoài làm vườn, ông còn làm cho một công ty trên địa bàn nên hàng tháng có thu nhập đảm bảo đóng lãi và trả tiết kiệm cho ngân hàng.
Giảm nợ quá hạn
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Hiệp Nam Cao Thị Thu Trang cho biết: Hiện nay, hội quản lý 7 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 383 hội viên, dư nợ gần 9 tỷ đồng. 4 năm liền, hội không có nợ quá hạn là nhờ sự phối hợp tốt của NHCSXH, địa phương cùng vai trò nòng cốt của các Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc cho vay được thực hiện đúng quy trình, tới tận hộ vay để xem xét việc sử dụng vốn đúng mục đích. Phần lớn hộ vay sử dụng vốn để đầu tư trồng xoài, nuôi bò sinh sản.
Bên cạnh đó, hội chủ động phối hợp mở các lớp tập huấn cho hội viên để hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng vốn vay hiệu quả; tuyên truyền, vận động hộ vay ký cam kết và gửi tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH để hộ vay ý thức trách nhiệm trả nợ.
Quý I/2020, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Cam Lâm đạt gần 37,3 tỷ đồng với 1.252 hộ vay vốn; bình quân đạt 37 triệu đồng/hộ (tăng 7 triệu đồng so năm 2019). Đến hết ngày 31/3/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Cam Lâm đạt gần 406 tỷ đồng, tăng gần 10,5 tỷ đồng so đầu năm; dư nợ gần 404,4 tỷ đồng, tăng gần 8,9 tỷ đồng so đầu năm, với 13.644 hộ dư nợ.
Với việc quản lý nguồn vốn và dư nợ khá lớn, NHCSXH huyện Cam Lâm thực hiện nhiều giải pháp để giảm nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng. Trong quý I/2020, tích cực phối hợp với UBND cấp xã đôn đốc xử lý thu hồi nợ quá hạn 707 triệu đồng. Đến nay, dư nợ quá hạn còn 746 triệu đồng, giảm 7 triệu đồng (giảm 0,01%); tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,18% tổng dư nợ, thấp hơn so với tỷ lệ nợ quá hạn tín dụng chính sách chung toàn tỉnh là 0,29% tổng dư nợ. Một số xã không có nợ quá hạn như: Cam An Bắc, Cam An Nam, Sơn Tân, Cam Hải Đông.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Cam Lâm Châu Thị Diệu Trâm cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với UBND cấp xã, các hội, đoàn thể tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay; củng cố và nâng cao chất lượng vốn ủy thác của tổ chức hội cấp xã; nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền nâng cao vai trò trách nhiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể và ban quản lý thôn, tổ dân phố trong việc bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, mức vay hợp lý và khả năng trả nợ của hộ vay để bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng hiệu quả; xử lý kịp thời các trường hợp nợ quá hạn, nợ chây ì, nợ bị rủi ro; phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2%.

Bài và ảnh Nam Du

Các tin bài khác