NHCSXH sát cánh cùng hộ nghèo vượt khó trong đại dịch

25/04/2020
(VBSP News) Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN và Tổng Giám đốc NHCSXH, chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố luôn sát cánh với người nghèo, đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch NHCSXH TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch NHCSXH TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Theo đó, NHCSXH các địa phương đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh như: Gia hạn nợ, giãn nợ đồng thời tiếp tục giải quyết vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu: NHCSXH tỉnh đã và đang tập trung hỗ trợ kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách, nhất là với các hộ khu vực nông nghiệp, nông thôn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

NHCSXH tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất. Công tác này được NHCSXH tỉnh chỉ đạo các chi nhánh nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại từng khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, để không làm gián đoạn việc tiếp cận vốn vay của khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh, đơn vị đã chủ động sắp xếp và phân chia thời gian phục vụ khách hàng đến giao dịch với NHCSXH tại các điểm giao dịch.

Tính đến hết quý I/2020, với những món vay đến hạn trả nợ trong tháng 4/2020, Chi nhánh thông báo cho khách hàng kéo dài thời gian trả nợ sang tháng 5 nhằm giảm bớt khó khăn và góp phần hạn chế đi lại trong thời điểm đang diễn ra dịch bệnh với số tiền 9.694 triệu đồng/293 hộ.

Tại Quảng Ninh: Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo bằng các giải pháp như cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới để ổn định SXKD. Hiện đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính để trả lương cho người lao động ngừng việc theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.

Tính đến nay, NHCSXH tỉnh đã thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho 2.178 khách hàng có khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số tiền gia hạn nợ là 87,1 tỷ đồng. Trong đó, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho 1.263 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với số tiền 48,5 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này giúp các hộ dân có thêm thời gian để tập trung nguồn lực, duy trì ổn định SXKD.

Để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn mới, đảm bảo đưa vốn kịp thời đến người dân, cán bộ NHCSXH tỉnh trực tiếp tiếp nhận hồ sơ ngay tại các thôn, bản, khu phố, hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để giải ngân kịp thời.

Tại Gia Lai: NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo 17 Phòng giao dịch trên địa bàn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát, cập nhật các trường hợp vay vốn ngân hàng bị rủi ro vì dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Chi nhánh sẽ có các giải pháp hỗ trợ khách hàng kịp thời theo quy định.

Ví dụ, với các trường hợp vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa trả được nợ gốc đến hạn theo phân kỳ hoặc đến hạn kỳ cuối, chi nhánh sẽ xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để giúp khách hàng khôi phục SXKD. Đối với khách hàng vay vốn bị rủi ro vì dịch bệnh mà có đủ điều kiện xử lý rủi ro theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT, chi nhánh sẽ lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý rủi ro theo quy định. Đối với các trường hợp khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ đến hạn nhưng chưa có cơ chế xử lý, hỗ trợ, chi nhánh sẽ báo cáo UBND tỉnh và Hội sở chính để tổng hợp, xem xét.

Đối với những món vay đến hạn trả nợ từ ngày 01 đến 15/4/2020, chi nhánh sẽ chủ động thông báo cho khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ sang tháng 5/2020 nhằm giảm bớt khó khăn và góp phần hạn chế đi lại trong thời điểm cách ly toàn xã hội. Bên cạnh đó, chi nhánh tiến hành điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho khách hàng đang điều trị bệnh hoặc đang thực hiện cách ly y tế theo quyết định của cấp có thẩm quyền nên không giao dịch được với ngân hàng và chưa trả nợ gốc đến hạn.

Những tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng dòng vốn tín dụng chính sách tại Ninh Bình vẫn tiếp tục chảy về những vùng khó khăn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh và các địa phương đã dành một phần ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách cũng như những người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh. Đặc biệt, 8/8 huyện, thành phố đã bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác đạt mức tối thiểu theo chỉ đạo của Đảng bộ và UBND tỉnh.

Cùng với tập trung vốn triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, NHCSXH tỉnh còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hộ vay vốn tín dụng chính sách bị ảnh hưởng do dịch bệnh và đã triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho khách hàng… Nhờ vậy, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện tốt giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Tại Bình Phước: Trong quý I/2020, NHCSXH tỉnh đã linh hoạt, chủ động giải ngân cho 5.521 lượt khách hàng với doanh số cho vay đạt 170 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 43,382 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,14% tổng dư nợ; nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương tăng 14,7 tỷ đồng.

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bình Phước Trương Thị Hằng Nga cho biết dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, các thành phần yếu thế trong xã hội, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách là khách hàng vay vốn của NHCSXH. Bám sát chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo PGD các huyện, thành phố chủ động phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn và các đơn vị theo dõi, nắm bắt diễn biến, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Theo đó, với khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa trả được nợ gốc đến hạn, NHCSXH sẽ gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để giúp khách hàng khôi phục SXKD. Xử lý nợ rủi ro đối với khách hàng vay vốn, chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định, nếu đủ điều kiện xử lý nợ bị rủi ro. Điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho khách hàng đang điều trị bệnh hoặc cách ly y tế mà không giao dịch được với NHCSXH và chưa trả nợ gốc đến hạn.

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ bám sát chỉ đạo của NHCSXH TW, căn cứ nguồn vốn TW phân giao chỉ tiêu kế hoạch của các chương trình, để triển khai kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, nhằm hỗ trợ khắc phục một phần khó khăn của khách hàng do dịch COVID-19.

Tại Bình Dương: Xác định khó khăn và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm người dân vẫn tiếp cận được nguồn vốn chính sách, cũng như đồng hành với chính quyền tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới việc SXKD của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bình Dương tiếp tục đề xuất UBND tỉnh ủy thác vốn bổ sung đợt II năm 2020 khoảng 300 tỷ đồng để cho vay khôi phục SXKD đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động bị mất việc và việc làm chưa ổn định nhằm khắc phục thiệt hại do dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Yên Bái: NHCSXH huyện Trấn Yên đã phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nắm bắt diễn biến dịch bệnh tại địa bàn cũng như mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn để thực hiện các giải pháp hỗ trợ.

Theo đó, với khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến khó khăn chưa trả được nợ gốc đến hạn phân kỳ (thuộc chương trình tín dụng chuyển nợ quá hạn phân kỳ) hoặc đến hạn cuối, dựa trên cơ sở đề nghị của khách hàng, NHCSXH nơi cho vay, UBND cấp xã, tổ chức nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn để xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung giúp khách hàng khôi phục SXKD.

Đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có đủ điều kiện xử lý nợ bị rủi ro theo Quyết định 15 của HĐQT NHCSXH TW thì hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo quy định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khách hàng đang điều trị bệnh hoặc được cách ly y tế do dịch COVID-19 được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ.

BT tổng hợp

Các tin bài khác