Hộ mới thoát nghèo ở Bình Thuận làm giàu từ vốn vay ưu đãi
Không sợ tái nghèo
Giai đoạn 2015 - 2020, nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, tập trung cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo còn cao. Dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo bình quân đạt trên 4,3 tỷ đồng/xã. Nguồn vốn ưu đãi đầu tư tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả… góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 23 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo. Qua đó, giúp người dân tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào SXKD, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tăng dần vị thế trong xã hội; đồng thời, từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường.
Tại thị xã La Gi, 5 năm qua, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã phát huy đối đa hiệu quả và được xem là “đòn bẩy” giúp cho biết bao nhiêu hộ gia đình thoát nghèo bền vững và có được cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Chị Nguyễn Lâm Anh Thu ở khu phố 4, phường Tân Thiện, TX La Gi là một điển hình.
Hơn 12 năm trước, gia đình chị là một trong những hộ nghèo của phường Tân Thiện khi chồng chị chẳng may bị đột qụy, sau một thời gian dài cố gắng chạy chữa thuốc thang vẫn mất đi khả năng lao động; hai con thì đang tuổi học… Gánh nặng kinh tế dồn lên vai chị Thu, nhưng nhờ được tiếp cận nguồn vốn dành cho hộ nghèo của NHCSXH Thị xã La Gi, gia đình chị Thu đã chính thức thoát nghèo vào năm 2018.
Niềm vui được nhân lên khi gia đình chị xây dựng được căn nhà mới khang trang, sạch đẹp; hai người con của chị cũng được ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định. Sau khi thoát nghèo, gia đình chị lại tiếp tục được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Nhờ đó, chị Thu có thêm đồng vốn để phát triển công việc kinh doanh của gia đình.
Cũng mới thoát nghèo được hơn hai năm nay, gia đình chị Lường Thị Dung ở thôn Bình An 1, xã Tân Bình, TX La Gi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo để vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo bền vững. Nhờ được vay vốn NHCSXH, gia đình chị có điều kiện để mua lưới về ráp vào các khung rập… để phục vụ cho công việc của chồng chị được thuận lợi hơn. Ngoài việc được tiếp cận nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo, gia đình chị Dung còn được tiếp cận nguồn vốn NS&VSMTNT; HSSV… Nhờ đó, các người con của chị yên tâm trên giảng đường đại học.
Tại huyện Tánh Linh, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo cũng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Gia đình anh Nguyễn Hiệp ở thôn 5, xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh phấn khởi: “Niềm vui nhân đôi khi vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo, lại được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo. Nhờ chính sách của Nhà nước, được NHCSXH cho vay vốn với chu kỳ dài, lãi suất hợp lý mà gia đình tôi đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống”.
Là khách hàng của NHCSXH từ khi còn là hộ nghèo, năm 2017, gia đình anh Hiệp đã thoát nghèo, hoàn trả được vốn cho ngân hàng. Khi NHCSXH triển khai cho vay hộ mới thoát nghèo, anh Hiệp được bình xét vay 40 triệu đồng. Có vốn ưu đãi, cộng nguồn tích lũy, hiện, gia đình anh nuôi hơn 20 con heo và nuôi thêm gà thả vườn, vịt siêu thịt; xuất chuồng hơn 20 con heo thịt/năm, thu lãi từ 60 - 70 triệu đồng/năm. Với nỗ lực trên, gia đình anh Hiệp không sợ đói nghèo quay lại, mà vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình anh Lê Thanh Bình ở thôn 7, xã Măng Tố, huyện Tánh Linh, không ai nghĩ gia đình anh trước đây là hộ cận nghèo. Không giấu được niềm vui, anh Bình chia sẻ: “Trước đây, kinh tế gia đình rất bấp bênh, do không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, lại phải nuôi con ăn học. Cuộc sống của cả gia đình chỉ nhờ vào mấy luống rau, tằn tiện lắm thì chỉ đủ ăn. Được biết NHCSXH triển khai cho vay ưu đãi đối với các hộ mới thoát nghèo, tôi có nhu cầu và được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 50 triệu đồng”.
Có vốn trong tay, anh Bình tiếp tục phát triển vườn rau, nuôi hơn 20 con dê. Nhờ có kinh nghiệm trong việc chọn từng loại rau trồng phù hợp vào từng thời gian nhất định, rau gia đình anh trồng vừa trúng mùa vừa trúng giá. Mỗi năm, gia đình anh thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Tích lũy, anh mua được đất, cất được nhà ở kiên cố, hoàn thành ước mơ cho con trai trờ thành kỹ sư cơ khí và đặc biệt là gia đình chị không sợ tái nghèo.
Đem lại cơ hội vươn lên cho nhiều hộ gia đình
Chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân tỉnh Bình Thuận phấn khởi đón nhận, đáp ứng nguyện vọng của người dân trong toàn tỉnh. Các hộ mới thoát nghèo có cơ hội tiếp cận vốn để tiếp tục đầu tư SXKD, góp phần thoát nghèo bền vững.
Giai đoạn 2015 - 2019, nhờ có chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, trong 5 năm, đã có 3.029 hộ vay vốn đầu tư SXKD đem lại thu nhập, phát triển kinh tế gia đình ổn định trở thành hộ khá, giàu và đã trả xong nợ cho ngân hàng (chiếm 12,9% số hộ đã vay). Từ những kết quả trên cho thấy chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo cực kỳ quan trọng không thể thiếu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.
Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội nói chung và nguồn vốn tín dụng của chương trình hộ mới thoát nghèo nói riêng đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông qua chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ vay tiếp tục có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đó, hạn chế được tình trạng vay nặng lãi hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp; có tác dụng đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ mới thoát nghèo nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
Bài và ảnh Phạm Huệ
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức làm giàu
- » Xã biên giới tích cực xây dựng nông thôn mới
- » Tín dụng chính sách giúp người dân Yên Bái vượt khó
- » Tín dụng chính sách ở huyện Cư M’gar
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở Sốp Cộp
- » Nguồn vốn ưu đãi được người dân Tân Vinh phát huy hiệu quả
- » Khi vốn ủy thác tạo lòng tin của nhân dân
- » Thêm nguồn vốn, tăng cơ hội
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau
- » Kon Rẫy cho người dân vay bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19