Không để ai bị bỏ lại phía sau
Vợ chồng chị Đặng Thị Thơm ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bởi cả hai đều là người tàn tật bẩm sinh (vợ bị gù, chồng bị câm từ nhỏ). Xây dựng gia đình chỉ có vài sào ruộng; anh, chị phải làm đủ mọi việc để chăm lo cho các con, nhưng chỉ đủ sống qua ngày. Với khát vọng xóa nghèo, do sức khỏe yếu, không làm được việc nặng nhọc nên chị Thơm học thêm nghề may.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương, chị vay vốn NHCSXH chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn, chị mua thêm máy khâu, thiết bị, từ 1 - 2 máy lên 5 - 6 máy. Nhờ khéo léo, cần cù và chịu khó nên công việc làm ăn hiệu quả, chị trả gốc và lãi ngân hàng đúng hạn, vươn lên thoát nghèo. Năm 2019, chị Thơm tiếp tục được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo. Từ đó, chị đầu tư sửa chữa, mua thêm máy, thiết bị để mở rộng xưởng.
Hiện, cơ sở của chị có 22 máy may, chủ yếu làm hàng gia công cho các công ty xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Đặc biêt, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động là người khuyết tật, với mức lương bình quân từ 4 - 5,5 triệu đồng/ người/tháng. “Chị Thơm đã vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế nên gia đình không những xóa nghèo mà còn giúp nhiều chị em cùng cảnh ngộ có việc làm. Chị là người lan tỏa hiệu quả tín dụng chính sách, là tấm gương để chị em phụ nữ thị trấn noi theo”, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Yên Ninh Phạm Thị Loan nhận xét.
Cùng với thực hiện chủ trương không bỏ lại một ai ở phía sau, NHCSXH huyện Yên Khánh phối hợp cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 325 tỷ đồng, với trên 14.600 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn ưu đãi được chuyển tải đến đúng các đối tương thụ hưởng; các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để năm 2018 Yên Khánh là một trong 3 huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn NTM. Hiện nay đang phấn đấu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Cùng với phát triển ngành nghề, huyện tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Hằng ở xóm 7, xã Khánh Thành chia sẻ: Xã đã tạo điều kiện cho gia đình tích tụ 5ha đất sản xuất, được vay vốn NHCSXH huyện, gia đình tôi trồng mướp đắng, dưa chuột, rau muống, bắp cải, súp lơ, su hào theo hướng an toàn. Bình quân mỗi tháng gia đình sản xuất được 10 tấn rau, củ, quả, thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Khác với chị Hằng, vợ chồng ông Đào Quang Đạt ở xóm 8, xã Khánh Tiên quyết định rời bỏ thành phố trở về quê hương tạo dựng cơ nghiệp. Bằng cách cải tạo 4 mẫu ruộng nằm ven bờ sông Đáy theo mô hình kinh tế VAC: một phần diện tích ông đào ao thả cá; phần quây thành chuồng trại chăn nuôi gà, vịt đẻ; phần được tôn cao để trồng cây ăn quả. Khi bắt tay vào thực hiện dự án, ông vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiếu vốn sản xuất. Năm 2016, đựợc các hội, đoàn thể xã tư vấn, ông tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn; sau đó, được NHCSXH hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm. Cộng với số tiền tích cóp được, ông tập trung đầu tư vào sản xuất.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, ham học hỏi, đến nay mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 3 tấn cá, 6 - 7 tấn gà thương phẩm và hàng vạn quả trứng vịt. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông Đạt thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. “Tôi chỉ là một trong hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả của huyện. Nhờ có NHCSXH đồng hành, cơ nghiệp vợ chồng tôi đang ngày một bền vững” - Đó là lời nói quen thuộc của ông Đạt, mỗi lần có khách đến tham quan, học hỏi mô hình kinh tế VAC của gia đình.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Các tin bài khác
- » Kon Rẫy cho người dân vay bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19
- » Nông dân Nghĩa Hưng vay vốn phát triển kinh tế
- » Hiệu quả tín dụng chính sách trong giảm nghèo bền vững
- » Tín dụng chính sách hỗ trợ cơ sở chế biến thủy hải sản “vượt” dịch Covid-19
- » Nỗ lực vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
- » Gieo mầm no ấm trên cao nguyên đá
- » Sát cánh cùng người dân vượt khó bởi dịch Covid-19
- » Ngân hàng Nhà nước phục vụ ai?
- » Về nơi in dấu chân Người
- » Tháng Năm và đạo lý dân tộc “ăn quả nhớ người trồng cây”