Hiệu quả tín dụng chính sách trong giảm nghèo bền vững

20/05/2020
(VBSP News) 5 năm triển khai tích cực, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, hàng nghìn hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Dương được tiếp cận với các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Nhờ đó, người dân nghèo đã ổn định cuộc sống, có việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.
binh duong

NHCSXH tỉnh Bình Dương luôn tạo điều kiện người dân tiếp cận kịp thời nguồn vốn chính sách

Những kết quả tích cực
Từ năm 2016 đến nay, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách xã hội. Hầu hết các chương trình được người dân đánh giá cao tính hiệu quả, điển hình như chương trình cho vay hộ nghèo. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo sinh kế, việc làm, mang lại thu nhập ổn định, giúp thoát nghèo bền vững.
Chị Trần Thị Kiều là một điển hình thoát nghèo trong năm 2017 của phường Phú Lợi nhờ được vay vốn NHCSXH. Nhiều lần được vay vốn ưu đãi, chị đầu tư mua máy làm nhang, nhờ đó, thu nhập dần dần được cải thiện, chị thoát nỗi khổ vay “nóng”. Đời sống vươn lên, chị phấn khởi cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên tôi đã gỡ được bài toán khó cuộc sống, giúp thoát nghèo bền vững”.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức cho biết: Khi có các chính sách của Chính phủ, NHCSXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kịp thời, phù hợp với thực tiễn địa phương để bảo đảm các đối tượng được thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, đúng đối tượng, đúng quy định. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Trong 5 năm, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 10 nghìn hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo có vốn để phát triển SXKD, nâng cao thu nhập; tạo việc làm mới cho gần 54 nghìn lao động; giúp cho 3.913 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 80 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng NTM; 156 khách hàng có thu nhập thấp được vay vốn để mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà ở.
Hàng năm, NHCSXH tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; định kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá năng lực hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc tổ chức nhận ủy thác, đồng thời thực hiện kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề, đột xuất.
Qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại hạn chế, từ đó, việc triển khai các chủ trương, chính sách tín dụng luôn bảo đảm đúng quy định, bảo đảm an toàn tài sản cho Nhà nước và quyền lợi của đối tượng thụ hưởng. Đến hết tháng 3/2020, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh trên 4,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,17% tổng dư nợ.
Mở rộng tín dụng chính sách
Qua từng năm thực hiện, tín dụng chính sách xã hội đã đem lại những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. NHCSXH cũng đã từng bước khắc phục những hạn chế để tín dụng chính sách ngày càng đi vào đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại là một số cấp hội, cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý rủi ro, quản lý hộ vay vốn, chưa có các biện pháp cụ thể và tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng, nhất là biện pháp nhằm xử lý đối với các hộ gia đình đang còn dư nợ nhưng đã chuyển đi khỏi địa phương.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững hơn, NHSCXH tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ. Trong đó, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng NTM.
Đồng thời, tham mưu lãnh đạo tỉnh và các địa phương hỗ trợ các điều kiện cần thiết đối với hoạt động của NHCSXH, phục vụ công tác tổ chức triển khai, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, cải thiện đời sống, vươn lên. Cùng với đó, NHCSXH tỉnh cũng đề nghị Chính phủ nâng mức cho vay và thời hạn cho vay đối với hộ mới thoát nghèo lên 10 năm (hiện là 5 năm); mở rộng đối tượng vay vốn chương trình NS&VSMTNT đối với các hộ thuộc các phường, thị trấn ven thành thị chưa có công trình nước sạch và vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn Quốc gia.
Ngoài ra, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tăng trưởng lên mức 400 tỷ đồng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh
Đến hế tháng 3/2020, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.942 tỷ đồng, tăng 163% so với cuối năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 32,6% với hơn 71 nghìn khách hàng; tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NS&VSMTNT, cho vay phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… Các chương trình tín dụng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.

Bài và ảnh Thanh Hồng

Các tin bài khác