Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Ngân hàng Việt Nam

18/05/2020
(VBSP News) Ngày 19/5/2020, cả nước hướng tới Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ và nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Cũng đầu tháng 5/2020, ngành Ngân hàng Việt Nam kỷ niệm 69 năm thành lập. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cùng ôn lại những sự kiện và kỷ niệm của Người với ngành Ngân hàng Việt Nam.
19154832

Bác Hồ với đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (ảnh chụp ngày 19/5/1957)

Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam
Cách đây đúng 69 năm (ngày 06/5/1951), tại hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với các nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ, quản lý Kho bạc nhà nước, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Người đối với sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lâu nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (tổng số ba lần từ năm 1951 đến năm 1952). Trong thời gian này Bác đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Sắc lệnh số 16/SL bổ nhiệm ông Nguyễn Lương Bằng giữ chức vụ Tổng Giám đốc.
Ngày 23/2/1952, Bác Hồ gửi thư cho cán bộ ngân hàng
Nhân dịp Hội nghị cán bộ ngân hàng ngày 23/2/1952, Bác Hồ đã gửi thư cho cán bộ ngân hàng. Toàn văn bức thư như sau:
“Nhân dịp Hội nghị, tôi thân ái gửi lời chúc anh em cán bộ vui vẻ, mạnh khoẻ, và cố gắng làm việc cho nghị có kết quả tốt.
Sau đây tôi giúp vài ý kiến để anh em thảo luận:
Nǎm ngoái, Chính phủ đã nâng cao công tác kinh tế tài chính, đã nhấn mạnh 3 điểm quan trọng là:
- Tǎng thu giảm chi, thống nhất quản lý tài chính,
- Xây dựng ngân hàng và quản lý tiền tệ,
- Phát triển mậu dịch.
Công tác tài chính là then chốt, mà trọng điểm của nó là thuế nông nghiệp.
Chấn chỉnh 3 công tác ấy là để chuẩn bị điều kiện thiết thực cho kế hoạch sản xuất và tiết kiệm nǎm nay, tức là để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Trong Hội nghị này, các cán bộ nên thật thà kiểm thảo:
- Mọi người đã nắm vững chính sách và phương châm của Chính phủ chưa?
- Trong khi thi hành chính sách và phương châm ấy, đã đi đúng đường lối quần chúng chưa? Cách tổ chức và lề lối làm việc đã hợp lý chưa?
Cán bộ tài chính - Nên tìm rõ những nguyên nhân vì sao chưa nắm vững và chưa thực hiện chính sách về thu và chi của Chính phủ? Trong công tác thuế nông nghiệp, những khuyết điểm gì đã ngǎn cản một số địa phương thực hiện đúng mức Chính phủ đã định? Cần phải sửa chữa thế nào, để công tác thuế nông nghiệp nǎm nay có kết quả tốt hơn?
Cán bộ mậu dịch - Phải làm thế nào để ổn định giá cả, và để đạt mục đích: Xuất nhiều hơn nhập?
Cán bộ ngân hàng - Làm thế nào để nắm vững việc quản lý thu phát của chế độ kho bạc mới, để giúp ngành tài chính thực hiện thống nhất quản lý chi thu, để giúp ngân hàng nắm vững việc phát hành?
Cán bộ tín dụng - Phải kiểm điểm lại: Đã làm những gì và còn phải làm những gì để giúp ích nhân dân, để đẩy mạnh sản xuất?
Trong khi kiểm điểm công tác ngành mình, các cán bộ nên nhìn vào toàn bộ chính sách kinh tế tài chính của Chính phủ. Nên mạnh dạn phát biểu ý kiến, thật thà trao đổi kinh nghiệm - để kiện toàn ngành mình và phối hợp chặt chẽ với ngành khác, nhằm mục đích thực hiện đầy đủ kế hoạch sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ nǎm nay.
Một điểm nữa: Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ.
Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 23 tháng 2 nǎm 1952
Hồ Chí Minh”
Kỷ niệm từ câu chuyện “Ngân hàng Nhà nước phục vụ ai”
Bác Hồ thăm Quỹ tiết kiệm XHCN tại Nhà máy Dệt Nam Định, năm 1962
Một ngày trong năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam Định. Bác đi qua một phòng thấy có ba người ngồi.
Bác hỏi:
- Các cô, chú làm gì đấy?
Anh Đoàn Duy Bảo đứng lên thưa:
- Dạ thưa Bác, đây là bàn tiết kiệm của ngân hàng đặt tại nhà máy.
Bác cầm một quyển sổ lên, hỏi.
- Nhà máy có bao nhiêu người gửi tiền tiết kiệm?
Anh Bảo thưa:
- Dạ, có tám mươi phần trăm người gửi ạ.
Bác gặng:
- Thế còn hai mươi phần trăm nữa thì sao?
Anh Bảo báo cáo:
- Dạ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thấy các cán bộ ngân hàng trả lời chưa đúng vào câu hỏi có lẽ là khó, Bác tìm hiểu sang vấn đề khác.
- Mỗi lần được gửi bao nhiêu?
- Dạ, gửi từ một đồng trở lên ạ.
Bác nói:
- Thế Bác có một hào, có gửi được không?
Tất cả, từ Giám đốc nhà máy, Bí thư chi bộ, cán bộ ngân hàng, quỹ tiết kiệm đều không trả lời được.
Cho đến năm 1996, nhân dịp kỷ niệm “45 năm mùa sen nở” của ngành Ngân hàng, anh Bảo giờ đã trở thành cụ Bảo mới tâm sự với các cán bộ ngân hàng trẻ rằng:
“Mãi về sau tôi mới hiểu ra rằng Ngân hàng Nhà nước ta là ngân hàng của dân, do dân, vì dân, nên trước hết là phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo có vốn, để làm kinh tế. Chẳng hạn, sẵn sàng nhận gửi, dù là một lần nhận gửi với số tiền rất ít.
Một câu hỏi mà hơn một phần tư thế kỷ tự tôi mới tìm ra được ý nghĩa của câu trả lời”.
Trong nhiều giai đoạn lịch sử, dù bận trăm công nghìn việc, đặc biệt trong những năm cuối của giai đoạn kháng chiến chống Pháp và những năm ác liệt của cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành sự quan tâm của mình đến hoạt động ngân hàng và ngành Ngân hàng.

PV (sưu tầm)

Các tin bài khác