Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè quốc tế

18/05/2020
(VBSP News) “Bác Hồ - Người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”, lời bài hát ngân vang trên con phố nhỏ vào một buổi chiều đầy nắng.
6_bacho3578

Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa cuốn sách của nhà báo Wilfred Burchett viết về Bác
                                                                                                                                                          Ảnh: Richgibson.com

Tháng 5 về, trong không khí của những ngày chớm hạ, những bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại như những dòng suối mát, khơi nguồn lịch sử và niềm tự hào của một dân tộc đã dũng cảm chiến thắng mọi thế lực thù địch mạnh gấp trăm lần để giành độc lập và xây dựng một cuộc sống ấm no, hòa bình.
Đẹp nhất tên Người
Có thể khẳng định rằng, từ ngày 02/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một làn sóng đã lan truyền khắp Đông Dương, Châu Á, Châu Âu và cả những người Châu Phi, Châu Mỹ Latinh xa xôi. Cũng từ đó “Hồ Chí Minh - Việt Nam” đã trở thành sự quan tâm đặc biệt của những người nước ngoài.
Ngày nay, mỗi dịp sinh nhật Bác, nhắc lại những kỷ niệm xưa, đối với những người nước ngoài có may mắn được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những “trang sách cuộc đời không bao giờ phai”. Phóng viên Denis Gray của hãng thông tấn AP từng khẳng định: “Việt Nam có thể có những bước thăng trầm, nhưng ký ức về vị lãnh tụ cộng sản được sinh ra từ cuối thế kỷ XIX sẽ tồn tại mãi mãi”.
Còn như nhà báo Stanley Karnow, tác giả cuốn “Việt Nam - Một lịch sử” thì miêu tả Chủ tịch Hồ Chí Minh với một giọng văn đầy cảm phục: “Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành, giản dị. Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình.
Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, Người vẫn giữ niềm tin tuyệt đối với nền độc lập của Việt Nam. Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hy sinh to lớn như ông đã làm”.
Trong khi đó, nhà bác học người Anh Bertrand Russell thì viết: “Sự nghiệp cao cả và quên mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nền độc lập và thống nhất của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ này đã làm cho Người trở thành không những là người Cha của dân tộc mà còn là nhà kiến trúc nổi tiếng của thế giới đã thoát khỏi chủ nghĩa thực dân”…
Lãnh tụ vĩ đại
Gần đây nhất, vào tháng 4, nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam, nhiều tờ báo nước ngoài cũng đã cho đăng tải các bài viết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó đáng chú ý nhất là bài viết của nhà báo nổi tiếng Alina Diaconu trên tờ La Gaceta của Argentina.
Từ những trải nghiệm thực tế tại Việt Nam trong chuyến thăm hồi tháng 1 cùng những tư liệu lịch sử về Bác Hồ, đặc biệt là tập thơ “Nhật ký trong tù”, nhà báo Alina Diaconu khẳng định: “Hồ Chí Minh đã thổi vào hồn nhân dân Việt Nam sự khiêm nhường, lòng quả cảm và chủ nghĩa anh hùng. Với tất cả điều này và vì tấm gương của Người, ngày hôm nay Bác Hồ có thể yên nghỉ trong hòa bình”.
Kể về ký ức ngày xưa, nhà báo Alina Diaconu viết: “Tôi đã nhìn thấy, như thể Người đang ngủ, thanh thản, trong lăng ở Hà Nội, với bộ đồ sáng màu, bộ râu trắng. Tôi đã thăm nơi Người sống, bàn làm việc, giường ngủ, bức chân dung Lênin trong một thư viện nhỏ. Lối sống giản dị là bạn đồng hành của Người trong suốt cuộc đời. Tuổi thơ của tôi đã gắn liền với Hồ Chí Minh. Tôi thấy hình Người trong tờ lịch treo trong nhà ở Bucharest.
Tôi luôn cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ con người ấy, là Chủ tịch của một đất nước ở Đông Nam Á, mà ở cái tuổi còn quá nhỏ lúc đó, tôi chẳng biết gì về Người. Khi bước vào lăng, những ký ức về Người đã trỗi dậy trong tôi. Cổ tôi nghẹn lại. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một con người như vậy. Biết bao tranh đấu, biết bao lịch sử đằng sau con người nhỏ bé nhưng vĩ đại, Người đã mất nhưng Người còn sống mãi!”.
Trong bài viết mang tên “Hồ Chí Minh - Chiến thắng một tầm nhìn” đăng trên tạp chí In Asien của Đức, tác giả Dierk Szekielda từng viết rằng, sự ngưỡng mộ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với nhân dân Việt Nam đầy sức sống đã thôi thúc ông viết bài báo này.
Dierk Szekielda ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một người có phẩm chất phi thường. Còn tờ Manila Times từng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng của châu Á vì thành công trong sự nghiệp lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của người dân, làm nên lịch sử hiện đại và là một trong những “nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại”.
Tạp chí Time nổi tiếng của Mỹ đã không dưới 5 lần đưa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa. Lần thứ nhất là vào tháng 11/1954 khi nói về sự kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Lần thứ 2, trong bài báo mang tên “Việt Nam: Miền Bắc không khoan nhượng” đăng ngày 16/7/1965, Bác Hồ xuất hiện khi đã 75 tuổi nhưng “vẫn hồng hào, vui vẻ, có khiếu hài hước”. Một năm sau đó, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung với nhà ngoại giao Shelepin lại tiếp tục được đăng trang bìa để minh họa cho bài viết về cuộc tấn công của Mỹ và sự đáp trả của Việt Nam.
Khi Bác mất, tạp chí Time đã có bài viết với ảnh mang tên “Di sản của Hồ Chí Minh” trong đó khẳng định những gì mà Bác để lại trước lúc ra đi rất ấn tượng. Cuối cùng, hai tuần sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam, tạp chí Time đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người chiến thắng” và sau đó còn bình chọn Bác Hồ là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.
Ilfred Graham Burchett (sinh ngày 16/9/1911 tại Melbourne, Australia, mất ngày 27/9/1983 tại Sofia, Bulgaria) là một phóng viên cánh tả nổi tiếng. Burchett từng tường thuật Chiến tranh thế giới thứ hai cho báo chí Anh. Ông cũng chính là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt tại Hiroshima, Nhật Bản sau khi Mỹ thả bom nguyên tử, lúc thành phố còn đầy mùi bụi phóng xạ. Một trong những dòng chữ đầu tiên mà Burchett viết về sự kiện này là: “Tôi viết để cảnh báo thế giới”.

Ngọc Khuê (tổng hợp)

Các tin bài khác