Bác Hồ - một tình yêu bao la

18/05/2020
(VBSP News) Nổi bật trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tình yêu thương con người. Đức hy sinh và tình yêu thương của Bác thể hiện nhất quán từ tư tưởng đến từng hành động, trong mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Chính tình yêu thương bao la ấy đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước và dành trọn cuộc đời mình cho độc, lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân...
images2227988__nh_1

Bác Hồ thăm hỏi các cụ già khi về thăm Pác Bó (Xuân Tân Sửu 1961)
                                                                                                                               Ảnh: Tư liệu

Muôn vàn tình thương…
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu thương đã vượt qua mọi giới hạn để trở thành một phẩm chất đạo đức cao đẹp. Tình yêu thương của Bác luôn rộng mở, không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim và tấm lòng nhân ái của Người. Bác cũng dành tình yêu đặc biệt cho những người cùng khổ, những người bị áp bức, bóc lột ở các nước trên thế giới.
Tình yêu thương của Bác còn là sự tôn kính lớp người đi trước, kính trọng nhân dân, giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, không ham muốn danh lợi riêng. Đó là tình thương yêu con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan. Đức tính đó không chỉ tác động đến nhận thức mà còn có sức cảm hóa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ. Đặc biệt, tình yêu bao la ấy đã đi vào văn học - nghệ thuật đầy tự nhiên, giàu cảm xúc:

“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”

                                                                                                                           (Bác ơi! - thơ Tố Hữu)

Tình yêu thương con người của Bác Hồ rất cụ thể, từ việc lớn như giải phóng cho con người, khuyến khích “Phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”, đến việc chăm lo từng con người cụ thể, không chỉ “Sữa để em thơ/Lụa tặng già” mà còn lo từng bát cơm, manh áo, từ chỗ ở, việc làm cho nhân dân. Theo Bác, yêu thương con người là phải tôn trọng, quý trọng con người. Bác đánh giá cao vai trò của nhân dân, thương dân, trọng dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Bác tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công. Bởi theo Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hy sinh tận hiến vì dân tộc. Tình cảm của Người đối với dân tộc và nhân dân cũng có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Giữa thập niên 40 của thế kỷ 20, cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta ở giai đoạn quyết liệt. Giữa đêm đông giá lạnh nơi chiến trường Tây Bắc, Bác trằn trọc với vận nước, không ngủ được vì thương bộ đội. Tình yêu thương bao la của Bác không phân biệt đẳng cấp, tướng - quân. Năm 1946, khi tham dự cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, Bác đã cởi ngay chiếc áo len đang mặc để gửi cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Sau này, còn rất nhiều việc làm sẻ chia đầy xúc động khác của Bác được kể lại như: dành cả tiền lương tháng, tiền nhuận bút, cả quần áo, khăn mặt để tặng cho các chiến sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ. Tình cảm ấy, không đơn thuần là do truyền thống “yêu nước, thương dân” được thừa hưởng từ dân tộc, nó còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Người đã chịu đựng và chứng kiến về nỗi đau của con người khi bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc sau này.
Thấm đượm tính nhân văn
Không chỉ có đức hy sinh mà tình yêu thương của Bác đã được thể hiện trong nhiều mối quan hệ, nhiều đối tượng với một tình cảm bao la, sâu nặng và thấm đượm tính nhân văn cao cả. Trước hết, Bác dành tình yêu thương cho những người cùng khổ. Bác khóc thương những người da đen nô lệ bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới. Năm 1945, nạn đói xảy ra làm 2 triệu người chết. Bác rất đau xót và đã kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước cứ mười ngày thì nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó mỗi bữa một bơ để cứu giúp dân nghèo”.
Đến thăm bất cứ nước nào, Người đều dành thời gian tiếp xúc với nhân dân lao động, các cháu thiếu niên, nhi đồng. Hồ Chí Minh yêu thương con người không chỉ là sự quan tâm mà đó còn là sự hy sinh tất cả vì con người. Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh chỉ phấn đấu cho việc chung, vì lợi ích chung của cả dân tộc, của đất nước. Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Người luôn là mẫu mực của đức khiêm nhường, đồng thời rất quan tâm giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về đức khiêm nhường. Hồ Chí Minh luôn phê bình thái độ của một số cán bộ “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng, dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”. Vì vậy, Người căn dặn cán bộ: “Đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Điểm nổi bật trong tình yêu thương con người của Bác là sự bao dung và nhân ái, đặc biệt là những người mắc phải khuyết điểm. Theo GS; TS Hoàng Chí Bảo, Bác đã rất trăn trở, đau xót khi phải thi hành quyết định xử lý đối với các cán bộ “biến chất”. Đó là những đêm thức trắng suy nghĩ, đau đớn cầm bút ký án tử hình một đại tá quân đội tham nhũng. Buông bút xong, Bác khóc. Bác cũng từng nhấn mạnh, đối với tham nhũng phải thi hành bản án ngay không chậm trễ, dù đau đớn cũng phải chịu, đồng thời đăng báo cho toàn dân được biết. Để những cán bộ đã “trót nhúng chàm” tự nhìn nhận và sửa đổi, Bác đã mời đến và căn dặn, rằng ở đời không ai thần thánh, ai cũng có cái hay cái dở, cái tốt cái xấu, ngay Bác cũng có khuyết điểm và phải tự nhận lỗi, xin lỗi trước đồng bào vì đã không dạy dỗ cán bộ đến nơi đến chốn để hư hỏng.
Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Người vẫn đau đáu nỗi niềm chăm lo cho nhân dân và hơn hết là tình yêu bao la Người để lại cho toàn thể dân tộc ta trong bản Di chúc: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Bảo Hân (Báo Đồng Nai)

Các tin bài khác