Thoát nghèo, làm giàu nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

11/05/2020
(VBSP News) Đồng vốn tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức và cải biến phương thức sản xuất của bà con đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai.
gia-lai

Bà con Gia Lai đẩy mạnh chăn nuôi bò từ vốn tín dụng chính sách

Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã và thành phố Pleiku với 222 xã, phường, thị trấn, trong đó có 168 xã vùng khó khăn. Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 111.786 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho 28.019 lao động, 1.512 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, tạo nguồn lực xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: Ngay sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ chủ chốt các cấp; chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện. Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy trong tỉnh căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.
Nhờ những nỗ lực đó, đồng bào DTTS nơi đây đã cải biến phương thức sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Anh Ksor Hă ở làng Sung Le Tung, xã Ia KLa, huyện Đức Cơ vốn là hộ nghèo. Hai vợ chồng chỉ đi trông vườn thuê cho một doanh nghiệp đứng chân ở xã nên rất khó khăn, trong khi phải nuôi 4 người con ăn học. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Sung Le Tung đã giới thiệu, giúp đỡ, hỗ trợ anh vay vốn NHCSXH.
Từ khoản vay năm 2014 với số tiền 30 triệu đồng, anh mua 4 con bò. Đến năm 2017, đàn bò phát triển thành 7 con, anh đã bán bớt để trả nợ ngân hàng rồi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để trồng thêm 3ha cao su, 3ha điều và 0,4ha cà phê. Hiện, các diện tích cây trồng này đều đang cho thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu về khoảng 100 triệu đồng. Năm 2017, gia đình anh đã thoát nghèo, các con anh được ăn học.
Còn anh Rơ Ô Súy ở buôn Đoàn Kết, xã Chư RCăm, huyện Krông Pa cũng được vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng từ năm 2016 để mua 3 con bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển nên thành 7 con. Gia đình bắt đầu bán bò để tiếp tục đầu tư cho 2ha sắn, 2 sào lúa rẫy. Trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu về trên 40 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, nhờ nguồn vốn ưu đãi, gia đình đã thoát nghèo. Khoản tiền vay của ngân hàng đến cuối năm 2020 mới phải trả nên Rơ Ô Súy yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi con cái ăn học.
Đi dọc tuyến biên giới của huyện Ia Grai, chúng tôi ghé thăm gia đình Ksor H’Ayết ở làng Klăh 2, xã Ia Dêr. Từ đồng vốn ít ỏi của gia đình và vốn vay NHCSXH huyện, đến nay, gia đình ông đã trồng được 800 cây cà phê, 3 sào lúa nước, nuôi 1 con heo nái, 12 con heo thịt. Sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập hàng năm của gia đình hiện nay là trên 100 triệu đồng. Ông Ksor H’Ayết chia sẻ: Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và NHCSXH đã tạo điều kiện để hộ nghèo đồng bào DTTS chúng tôi được vay vốn ưu đãi để thoát đói nghèo.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình trên địa bàn huyện Chư Sê. Anh Nguyễn Thế Nhân ở thôn 6, xã Ia Blang là một ví dụ điển hình. Trước đây, gia đình anh Nhân thu nhập chủ yếu từ vườn hồ tiêu. Tuy nhiên, tình trạng hồ tiêu nhiễm bệnh cộng với giá cả luôn biến động bất lợi khiến gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn. Năm 2017, anh được Hội Nông dân xã tín chấp với NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để chuyển đổi từ trồng hồ tiêu sang nuôi gà lấy trứng.
Anh Nhân cho biết: “Sau khi được vay vốn, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 1.000 con gà. Chỉ sau 6 tháng, đàn gà đã cho thu hoạch mỗi ngày từ 800 - 850 quả trứng. Trừ các khoản chi phí, mỗi ngày anh Nhân lãi khoảng 400 nghìn đồng. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng nguồn phân gà để bán cho các hộ trồng trọt trên địa bàn xã. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm, cuộc sống của gia đình đã bớt khó khăn”.
Còn gia đình ông Rơ Lan Hòa ở làng Nhă, xã Ia BLang thì trước đây cũng luôn lâm vào cảnh túng thiếu. Năm 2014, ông được Hội Nông dân xã tín chấp với NHCSXH huyện vay 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ông Hòa tâm sự: “Sau khi vay được vốn, tôi mua bò về nuôi. Từ 4 con bò giống ban đầu, sau 4 năm, đàn bò của gia đình đã tăng lên 16 con”. Thế là, không chỉ thoát được nghèo mà gia đình ông còn hướng đến làm giàu. Hiện tại, ngoài chăn nuôi bò, ông Hòa đã tái canh được 1ha cà phê và chăm sóc 800 trụ hồ tiêu. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình ông đạt gần 100 triệu đồng.
Gia Lai là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao so với bình quân chung cả nước, do vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp, tập trung các nguồn lực tài chính để tập trung giảm nghèo bền vững, một trong những giải pháp quan trọng đó là bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn.
Thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội, định hướng các chính sách tín dụng mới để đề nghị Chính phủ bổ sung hoàn thiện hơn nữa các chính sách tín dụng cho người nghèo, nhất là đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnhNguyễn Khánh Hòa

Các tin bài khác