Chuyển mình từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

14/05/2020
(VBSP News) Làng nghề nước mắm Đề Gi ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) được công nhận làng nghề truyền thống năm 2016. Hiện có hơn 300 hộ ở 2 thôn An Quang Đông và An Quang Tây tham gia sản xuất. Thời gian qua, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để đưa làng nghề phát triển và xây dựng nhãn hiệu riêng. Đặc biệt, phải kể đến sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn chính sách của NHCSXH huyện Phù Cát.
viewimage

Nhờ được vay vốn từ NHCSXH huyện Phù Cát, gia đình bà Nguyễn Thị Ba ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh đã mở rộng quy mô sản xuất nước mắm

Không chỉ nhanh chóng giúp người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, NHCSXH huyện Phù Cát còn tham gia tư vấn để người dân xây dựng dự án tốt, giải ngân nhanh để các hộ được vay sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ba làm nghề chế biến nước mắm từ nhiều đời, riêng bản thân bà cũng đã có kinh nghiệm hơn 50 năm làm nước mắm. Tuy nhiên, từ trước đến nay, gia đình bà chỉ làm mắm ở quy mô nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho người dân trong xã, nhiều lắm là trong huyện; do đó, thu nhập không cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Năm 2017, khi làng nghề nước mắm truyền thống Đề Gi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu, thương hiệu nước mắm Đề Gi được nhiều người biết đến, ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Nhận thấy đây là cơ hội lớn, thông qua Hội Nông dân xã, bà Nguyễn Thị Ba đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện để mua sắm thêm dụng cụ, mở rộng quy mô sản xuất. Chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm của gia đình bà đã được nhiều người biết đến, sản lượng tăng dần, đạt mức tiêu thụ khoảng 1.000 lít/tháng. Không chỉ có vậy, do quy mô sản xuất vượt lên mức hộ gia đình, bà đã thuê thêm nhiều lao động địa phương làm việc theo dạng thường xuyên và thời vụ.
Rất nhiều người làm nước mắm, kể cả những người ở địa phương khác cùng xác nhận; để làm ra nước mắm, người làm nghề nào cũng phải trải từng ấy công đoạn cơ bản, cũng sử dụng nguyên liệu chính là cá cơm, cá ồ và muối. Nhưng phải thừa nhận là muối ở Đề Gi và thời tiết, khí hậu ở Đề Gi có cái gì đó rất riêng nên nước mắm Đề Gi mới thơm ngon và giàu tính đặc trưng hơn mọi nơi. Hiện nay, các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “nước mắm Đề Gi” được chia làm 4 loại phổ biến với mức giá từ 50 - 100 nghìn đồng/lít.
Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Đến nay, hầu hết các hộ sản xuất nước mắm ở làng nghề truyền thống Đề Gi đều đã xây dựng nhãn hiệu riêng cho sản phẩm ở từng cơ sở; góp phần phát triển thương hiệu chung “nước mắm Đề Gi”. Hiện nay, sản phẩm làng nghề truyền thống nước mắm Đề Gi đã được nhiều người biết đến, sử dụng và ưa chuộng, không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn được bán ra thị trường cả nước; tạo việc làm, nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm từ nghề khai thác, đánh bắt thủy sản địa phương. Để đạt được điều này, phần đóng góp của NHCSXH huyện rất lớn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.
Có thể nói, với vai trò là một tổ chức tín dụng xã hội, NHCSXH huyện Phù Cát đã khơi dòng tín dụng chảy về phía những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để hỗ trợ họ tạo việc làm, tăng thu nhập; qua đó góp phần tích cực trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề nước mắm.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phù Cát Phan Nguyễn Nguyên cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt hơn 501 tỷ đồng với 15.037 hộ vay vốn. Trong đó, 1.785 hộ nghèo vay vốn hơn 77,3 tỷ đồng;  2.765 hộ cận nghèo vay vốn 130,3 tỷ đồng; 689 hộ mới thoát nghèo vay vốn 33,4 tỷ đồng; 1.768 hộ SXKD vùng khó khăn vay vốn 78,3 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu SXKD; trả lãi, gốc đúng hạn cũng như các quy định của ngân hàng.

Bài và ảnh Trường Giang

Các tin bài khác