Học Bác Hồ về tiết kiệm và chăm lo cho người nghèo

18/05/2020
(VBSP News) Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại, cả cuộc đời rất thanh cao, không gợn chút riêng tư, mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam. Đúng vậy, có lẽ hiếm có một nhân vật nào ở thời đại chúng ta, ngay từ khi sinh thời cũng như sau khi qua đời, tên tuổi và sự nghiệp lại được biết đến rộng rãi, được đánh giá cao, được ca ngợi bằng những lời đẹp đẽ và cao quý như Hồ Chủ Tịch. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của toàn dân tộc Việt Nam.
Bac-Ho-1

Bác Hồ thăm nhà ăn tập thể của Nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá Hà Nội (Tháng 1/1961)

Cả cuộc đời Bác là cuộc đời hoạt động cứu nước, cứu dân. Và trong suốt cuộc đời mình, Người là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, vì thế Lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho nhân dân, cho đảng viên và cho cán bộ. Người quan niệm: đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Người viết: “Cũng như sông, có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Người cũng khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Xin trích dẫn một đoạn trong bài thơ của Bác để nói lên tầm quan trọng những phẩm hạnh “Cần - Kiệm - Liêm - Chính” đó khi Người dăn dạy cán bộ, công chức, đảng viên:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”.

Trước hết, nói về chữ “Cần”. Theo Bác, “Cần” tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, bền bỉ trong công việc cụ thể của mình. Cần phải gắn với kế hoạch, nếu không thì mọi việc sẽ rối tung, kém hiệu quả. Cần phải đi với chuyên, cần cù mà dốt nát thì hiệu quả thấp, có khi trở thành phá hoại. Cần không phải chỉ thuần tuý là cần cù làm việc mà quan trọng hơn là phải có chất lượng, có hiệu quả, có năng suất cao.

Bac-Ho-2

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng (8/1/1959)

Quan niệm về nội dung chữ “Cần” của Bác Hồ rất rõ ràng, giản dị mà sâu sắc, có giá trị lớn trong việc vận dụng vào học tập, rèn luyện một cách sáng tạo, cụ thể của từng người, từng cơ quan, đoàn thể trong từng hoàn cảnh khác nhau. Bên cạnh đức tính cần, bác cũng đề cao đức tính kiệm. Bác nói rõ mối quan hệ của 2 đức tính “Cần” và “Kiệm”. Bác khẳng định: cần phải đi liền với kiệm “như hai chân của con người”. Nếu “cần” mà không “kiệm” thì chẳng khác nào như “gió vào nhà trống”, làm chừng nào “xào” chừng ấy thì không vẫn hoàn không; nếu “kiệm” mà không “cần” thì không tăng thêm, không phát triển được, nếu mãi như vậy thì không có gì mà “kiệm”.
Bác thường nhấn mạnh và đề cao 4 loại tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm tiền; tiết kiệm sức lao động; tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu; tiết kiệm thời giờ.
Đã từ lâu Bác Hồ trở thành mẫu mực, biểu trưng cho sự giản dị và đức tính tiết kiệm, mọi đồ dùng cá nhân của Bác đều đơn sơ và mộc mạc, trong đó có đôi dép cao su của Người. Đối với người dân Việt Nam thì không mấy ai là không biết tới đôi dép của Bác, đôi dép đã cùng Bác đi qua bao năm tháng bom đạn chiến tranh, trở thành một hình tượng quen thuộc đối với người dân Việt Nam và trở thành huyền thoại đối với bạn bè năm châu.
Trên đường đi công tác, Bác hay nói vui với các anh em chiến sĩ rằng: “Đó là đôi hài vạn dặm trong chuyện cổ tích ngày xưa, đôi hài thần đất đi đến đâu mà chẳng được!”.
Chẳng những khi hành quân mà những ngày đông Bác cũng đi đôi dép ấy. Có hôm trời rét quá, Bác chỉ đi thêm đôi tất cho ấm chân. Tiếp khách trong nước hay khách quốc tế vẫn thường thấy Bác đi đôi dép ấy.
Đi thăm bà con nông dân, Bác xắn quần cao lội ruộng cùng mọi người, tay vẫn không quên xách hoặc nách kẹp đôi dép.
Nói về sổ tiết kiệm: Bác Hồ có một cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Lê Hữu Lập - nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội. Tiền tiết kiệm của Bác được dành dụm từ tiền lương hàng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu sinh hoạt và tiền nhuận bút mà Bác viết bài cho Báo Nhân Dân.
Trong dịp Bác đi nước ngoài dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền. Khi đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại, Bác dặn nhập số tiền vào quỹ Đảng, bởi Bác coi số tiền đó là của chung chứ không để vào sổ tiết kiệm làm quà tặng trong những dịp cần thiết.
Có lần trên đường đi công tác về, nhìn thấy các đồng chí bộ đội phòng không trực chiến dưới ánh nắng chói chang, gay gắt của mùa hè, Bác nhắc đồng chí Vũ Kỹ rút số tiền tiết kiệm trong sổ của Người, trao cho Bộ Quốc phòng, mua nước uống, làm quà tặng để các đồng chí bộ đội phòng không.
Năm 1966, Bác Hồ đến thăm một đại đội thuộc đoàn thông tin, bộ đội phòng không đóng ở chùa Trầm (Hoài Đức). Cuộc đi thăm không báo trước. Khi chiếc xe con dừng lại ở lưng chừng dốc, một chiến sĩ nhận ra Bác reo to lên. Bác giơ tay ra hiệu không được làm ồn ào rồi bảo chiến sĩ đó đưa Bác vào đơn vị.
Với đôi dép cao su giản dị, Bác đi rất nhanh lên sườn đồi, bộ quần áo bà ba nâu bay trong gió. Sau khi dừng lại xem câu lạc bộ, Bác nhanh nhẹn đi xuống nhà bếp. Thấy đồng chí anh nuôi đang bê một nồi cơm to từ trên bếp lò xuống, “Bác vui vẻ hỏi:
- Mỗi bữa chú ăn được mấy bát? - Thưa Bác, cháu ăn được ba bát ạ.
- Chú ăn được như vậy là tốt - Nói xong, Bác mở hộp thuốc lá lấy ra một điếu đưa cho anh nuôi.
Rồi Bác lấy một điếu khác ra để hút. Thấy Bác có ý tìm đóm để châm lửa, anh nuôi vội rút bao diêm trong túi ra định bật diêm cho Bác, Bác liền ngăn lại:
Chú để dành diêm mà nhóm bếp. Cả bếp lò đang hồng thế kia tha hồ cho Bác cháu ta châm thuốc.”
Chỉ một que diêm mà Bác đã cho chúng ta bài học sâu sắc về tinh thần tiết kiệm.
Bác tiết kiệm không chỉ trong ăn, ở, mặc, đi lại mà ngay cả sử dụng cán bộ. Mỗi khi đi công tác xa, Bác chỉ sử dụng ít cán bộ, kể cả khi ở chiến khu cũng như sau này khi hòa bình lập lại và Bác luôn quan tâm tạo điều kiện trong những lần Bác đi công tác xa, khi không cần người cùng đi, Bác cho cán bộ về thăm gia đình, Bác dặn: “Các chú tranh thủ về thăm nhà, nhưng nhớ đúng hẹn lên đón Bác”. Thật là cử chỉ rất nhân văn thể hiện Bác là người luôn quan tâm đến mọi người và cũng là một biểu hiện tiết kiệm thời gian.
Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một vị cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. “Bác hỏi: Chú đến chậm mấy phút? Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ! Chú tính thế không đúng. 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.”
Bác đã từng dạy: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”. Không phải ngẫu nhiên mà Người dạy như thế. Đó là kinh nghiệm Người đúc rút ra từ quá trình làm việc và trong cả cuộc đời làm cách mạng của Người. Bản thân Hồ Chủ Tịch chính là tấm gương về tiết kiệm thời gian. Người cũng đã nói rằng: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân… làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm… Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Tấm gương sáng về đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Bác Hồ đã thấm sâu trong lòng mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân ta được hun đúc thành ý chí của cả dân tộc trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với Bác phải là chân thành, thật thà, đúng người, đúng việc, phải là người thật, việc thật, câu chuyện sau đây là bài học vô cùng quý báu cho công tác bảo trợ xã hội nhất là xác định đúng người nghèo, hộ nghèo của các cấp chính quyền.
Mùa xuân năm 1959, một tháng trước Tết Âm lịch, Bác Hồ gọi đồng chí Xoàn lên giao một nhiệm vụ đặc biệt mà chỉ có hai bác cháu biết: “Chú tìm cho bác một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội, bác sẽ đi thăm họ lúc giao thừa!”.
Đồng chí Xoàn có một tháng để đi khắp Hà Nội tìm cho ra một người nghèo nhất Hà Nội.
Hà Nội ngày ấy không giàu, nhưng để tìm ra người “nghèo nhất” vẫn là một thách đố đặc biệt. Đi tìm nhiều nơi và cuối cùng, đến một ngày, một anh công an địa bàn giới thiệu nhà một người phụ nữ gánh nước thuê ở ngõ sâu trên phố Hàng Chĩnh, đó là một ngôi nhà tăm tối, phên liếp tạm bợ, bên trong chỉ có một chiếc giường tre và vài ghế gỗ lăn lóc. Bàn thờ lạnh tanh hương khói, mạng nhện bao phủ - dù đang là những ngày giáp tết. Có bốn đứa trẻ đang nằm ngồi vật vạ chờ mẹ mang gạo về. Chúng đói. Chủ ngôi nhà ấy là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, tên Nguyễn Thị Tín, góa chồng. Chị vốn là công nhân thất nghiệp và từ lâu nay sống bằng nghề gánh nước thuê. Với chị, tương lai và sự nghiệp của gia đình chỉ là con số không.
Tối giao thừa ấy, Bác Hồ đi với đại diện Thành ủy Hà Nội thăm vài gia đình trong kế hoạch. Khoảng 11 giờ tối, Bác đến thăm nhà chị Tín.
Con hẻm thật vắng và từ đằng xa, thấy bóng chị Tín đang quảy đôi quang gánh đi ngược ra ngoài phố. Ngang mặt, đồng chí Xoàn đứng lại và hỏi nhỏ: “Chị Tín phải không?”. “Vâng ạ!”. “Sắp giao thừa chị còn đi đâu?”. “Tôi tranh thủ gánh thêm vài gánh lấy ít tiền mua quà bánh tết cho các cháu, anh ạ!”. “Chị về đi, có khách ghé thăm!”.
Người phụ nữ nghèo khổ xoay người lại nhìn những vị khách, rồi chị bàng hoàng buông rơi đôi quang gánh, chạy bổ tới, quì xuống, ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên: “Trời, sao Bác lại đến thăm nhà cháu?”. Bác Hồ rưng rưng nước mắt: “Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!”. Mọi người im lặng.
Bước lên xe, đó là năm đầu tiên đi chúc tết người dân về mà Bác thật buồn. Người quay sang nói: “Các chú thấy chưa? Hôm nay mình đã đi đúng người thật việc thật rồi, nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải là nhà cô Tín rồi…”.
Về nơi Bác ở, Bộ Chính trị đã tập họp để chúc tết Bác và cùng đón giao thừa. Bác ngồi vào ghế, mọi người ngồi xung quanh. Bác im lặng rồi nói từ từ: “Bữa nay tôi có một chuyến thăm một nhà nghèo nhất Thủ đô Hà Nội. Cô Tín, chủ nhà, giờ này còn phải đi gánh nước thuê để có tiền mai mua gạo cho con. Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại Thủ đô đất nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như chị Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình, nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Ðảng với nhân dân…”.
Chúng ta nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bác là niềm tin yêu thiết tha nhất trong lòng dân Việt Nam và trong trái tim nhân loại, cả thế giới nghiêng mình, muôn đời ngợi ca Hồ Chủ Tịch. Người là cha, là bác, là anh, đúng như nhà thơ Hải Như đã viết:

“Bác Hồ đứng, người sau không bị khuất.
Ta đứng thường quên che lấp bạn mình”

Đào Ngọc Thịnh (sưu tầm)

Các tin bài khác