Bình Dương sẽ bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng vay bởi dịch Covid-19

13/04/2020
(VBSP News) Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách an sinh xã hội giải quyết cho vay các chương trình trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, kịp thời giúp các đối tượng phục hồi sản xuất, khắc phục khó khăn do dịch bệnh.
5

NHCSXH tỉnh Bình Dương hướng dẫn khách hàng đo thân nhiệt và sát khuẩn trước khi vào giao dịch

Nâng nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng đến đời sống cũng như an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Xác định những khó khăn và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, trong tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh cùng các huyện, thị, thành phố đã trích vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh Bình Dương và các Phòng Giao dịch cấp huyện phục vụ trên địa bàn với tổng số tiền là 170 tỷ đồng.
Trong đó, UBND tỉnh 150 tỷ đồng, TP Thủ Dầu Một 10 tỷ đồng, TP Thuận An 5 tỷ đồng, huyện Phú Giáo 5 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động, cơ sở SXKD trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, nâng nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt 1.514 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn quốc.
Trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm người dân vẫn tiếp cận được nguồn vốn chính sách, cũng như đồng hành cùng chính quyền tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, UBND tỉnh cũng đề nghị NHCSXH tỉnh Bình Dương chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng để hỗ trợ, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi
Với sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn trong thời điểm SXKD gặp nhiều khó khăn, bà con nông dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương hứa hẹn sẽ có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh phù hợp với những biến động của thị trường.
Nhiều năm trước đây, gia đình chị Lê Thị Kim Loan ở phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một được NHCSXH tỉnh Bình Dương cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để phát triển chăn nuôi. Với số tiền này, chị Loan mua heo sinh sản về nuôi, sau đó heo đẻ được 2 lứa với 20 con giống. Chị đã bán và trả được hết tiền vay cho NHCSXH. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ nguồn vốn này, năm 2020 chị Loan mạnh dạn đăng ký thực hiện đề án hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh và được NHCSXH tỉnh tiếp tục cho vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này cộng với số tiền tích góp của gia đình, chị mua thêm đàn gà để chăn nuôi. Đến nay, đàn gà của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng ở TP Thủ Dầu Một, chị Đỗ Ngọc Quế Trân ở phường Tương Bình Hiệp là một trong những hộ khó khăn kể từ khi có dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Đầu năm 2020, thông qua Hội Phụ nữ phường, chị Trâm được vay 100 triệu đồng của NHCSXH tỉnh. Có vốn, chị Trâm đầu tư phát triển cơ sở đóng thùng cartton. Đến nay, gia đình chị đã giải quyết được công ăn việc làm cho gia đình; đặc biệt là có vốn để phát triển, sản phẩm được khách hàng tin tưởng và có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tới việc SXKD của người dân trên địa bàn, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bình Dương tiếp tục đề xuất UBND tỉnh ủy thác vốn bổ sung đợt II năm 2020 là khoảng 300 tỷ đồng để cho vay khôi phục SXKD đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động bị mất việc và việc làm chưa ổn định nhằm khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Bình Dương đang thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 2.942 tỷ đồng; tập trung chủ yếu các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, HSSV, NS&VSMTNT và giải quyết việc làm. Trong quý I/2020, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 9.270 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để SXKD, trang trải chi phí học tập, tạo việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, với tổng số tiền 376 tỷ đồng; dư nợ bình quân đạt 40,5 triệu đồng/hộ.

Bài và ảnh Tường Vy

Các tin bài khác