Nỗ lực giảm nghèo bền vững

13/04/2020
(VBSP News) Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Vĩnh Phúc nên công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Tam Đảo đặc biệt quan tâm. Bằng nỗ lực không ngừng, cuộc sống của hơn 80.000 người dân, nhất là các hộ nghèo trên địa bàn ngày càng khởi sắc.
4Nhờ vay vốn NHCSXH, nhiều gia đình huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã thoát nghèo vươn lên làm giàu thành công

Nhờ vay vốn NHCSXH, nhiều gia đình huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã thoát nghèo vươn lên làm giàu thành công

Trao “cần câu” đến từng hộ dân
Triển khai công tác giảm nghèo, huyện Tam Đảo đã tăng cường vận động, khuyến khích các hộ nghèo vay vốn ưu đãi của NHCSXH đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chăn nuôi lợn, gà đồi, mô hình nuôi dê thịt, nuôi trâu bò sinh sản, nuôi bò sữa, trồng na, trồng cây dược liệu dưới tán rừng… Qua đó, vừa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về rừng, đất rừng, vừa giúp bà con tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Hơn chục năm về trước, cuộc sống của gia đình ông Lương Văn Man, dân tộc Sán Dìu ở thôn Phân Lan Hạ luôn trong hoàn cảnh thiếu thốn. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2009, gia đình ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện đầu tư mở trang trại chăn nuôi dê, gà đồi và trồng các loại cây ăn quả. Với hơn 600 gốc bưởi và hàng trăm con gà, dê thương phẩm, trừ chi phí, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã tự xây dựng cho mình được cơ ngơi khang trang và tiếp tục quoay vòng vốn để mở rộng trang trại.
Ngoài gia đình ông Man, rất nhiều người dân ở xã Đạo Trù, nhất là đồng bào DTTS cũng được thụ hưởng các chương trình, chính sách giảm nghèo của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo nhanh chóng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 8,3%, thu nhập bình quân tăng từ 19 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 30 triệu đồng/người/năm.
Cùng với Đạo Trù, người dân các xã khác như Bồ Lý, Yên Dương cũng mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện đầu tư phát triển sản xuất. Gia đình ông Lương Văn Tiếp, dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Thành, xã Yên Dương là điển hình trong việc thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ NHCSXH.
Đất đai đồi núi cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên đời sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2014, sau khi được Hội Nông dân xã giới thiệu, ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư chăn nuôi bò sữa. Theo đó, mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng từ tiền bán sữa bò. Nhờ sự cần cù lao động, năm 2019, gia đình ông Tiếp không chỉ ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương, trả hết số nợ ngân hàng mà còn xây dựng được cơ ngơi khang trang.
Bí thư Huyện ủy Tam Đảo Lưu Đức Long cho biết, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, Huyện ủy đã có nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo”. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tam Đảo đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chú trọng lồng ghép các chương trình giảm nghèo gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, huyện đã chỉ đạo các xã điều tra từng thôn, từng hộ, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư kinh doanh. Có nguồn sinh kế, biết hướng thoát nghèo, từ đó, đa số hộ đã thoát nghèo bền vững. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 10.000 người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi từ các dự án giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,34% (năm 2019).
Nâng cao chất lượng lao động
Với lợi thế là trọng điểm du lịch của tỉnh, tuy nhiên, cuộc sống người dân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, số hộ dân tham gia vào ngành kinh tế tổng hợp này còn rất hạn chế. Theo Bí thư huyện ủy Lưu Đức Long, việc ngành du lịch phát triển sẽ đem đến nhiều thuận lợi cho kinh tế - xã hội, nhất là tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Xác định điều đó, đồng bộ với việc phát triển hạ tầng các khu du lịch, huyện đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng giao tiếp chăm sóc khách hàng, các kỹ năng du lịch, ngoại ngữ giao tiếp thông dụng cho đội ngũ lao động phục vụ du lịch tại chỗ là hộ gia đình, con em của cộng đồng dân cư địa phương vừa lao động ngành nghề khác, vừa có thể tham gia hướng dẫn khách du lịch tham quan hoặc phục vụ lưu trú, ăn uống, trải nghiệm tại các điểm tham quan du lịch cộng đồng.
Mặt khác, Tam Đảo có tới gần 50% là đồng bào DTTS, những nét văn hóa đặc sắc của những tộc người này cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo cần phải được phát huy. Qua đó, người dân có thể đem giá trị đó vào du lịch, vừa để bảo tồn và phát huy. Để nâng cao hơn nữa đời sống kinh tế cho người dân, nhất là đồng bào DTTS, Tam Đảo sẽ tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo lợi thế của vùng; đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống tại các khu du lịch, đền, chùa để khi đến Vĩnh Phúc du khách còn được giao lưu hát Soọng cô, hát văn, hát xẩm, được hòa mình vào những trò chơi dân gian với người dân bản địa…
Cùng với đó, để đạt mục tiêu hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện sẽ giảm từ 1 - 1,2%, thời gian tới, huyện sẽ lồng ghép các chương trình giảm nghèo vào nhiệm vụ công tác và triển khai kế hoạch chương trình giảm nghèo của Trung ương, tỉnh, huyện, xã tới các khu dân cư; tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đồng thời, nâng cao vai trò, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về vai trò của du lịch; tổ chức lại các khu, điểm du lịch; tăng cường quảng bá và khai thác có hiệu quả các điểm du lịch hiện có; nhất là việc thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch dân tộc Sán Dìu huyện Tam Đảo nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Bài và ảnh Trần Tâm

Các tin bài khác