Đòn bẩy để thoát nghèo
Những năm qua, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã triển khai đầy đủ và kịp thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan đến công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, Ban giảm nghèo cấp xã để dòng vốn ưu đãi hộ nghèo được khơi thông, đồng hành cùng người nghèo vươn lên, từng bước thoát nghèo bền vững. Với hàng loạt cơ chế ưu đãi về thủ tục vay, lãi suất, thời gian vay…, chương trình cho vay hộ nghèo được ví như “đòn bẩy” để hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình.
Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp các hộ nghèo vươn lên cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Bởi thế, khi Chính phủ có chính sách cho vay đối với hộ nghèo đã nhận được sự đồng tình, sự chung tay vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, người dân chung sức giúp nguồn vốn giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn hiệu quả.
Do tính chất đặc thù, phương thức cho vay ưu đãi hộ nghèo là trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho 4 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên. Qua đó, chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, NHCSXH tỉnh có các Điểm giao dịch ở tất cả các xã, phường, thị trấn nên khảo sát, giải ngân cho vay rất thuận lợi. Công tác triển khai cho vay được tiến hành đúng quy trình nghiệp vụ, phù hợp với tình hình thực tế nên đã mang lại kết quả rõ nét.
Hưng Yên hiện có trên 3 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ nghèo được hỗ trợ thủ tục vay vốn, hỗ trợ chuyển giao KHKT vào sản xuất. Qua rà soát, các khách hàng đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, khi được sử dụng nguồn vốn ưu đãi, hộ nghèo đã xóa bỏ được tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đồng thời mạnh dạn đầu tư vào SXKD, từng bước thành công, góp phần thoát nghèo.
Đến hết tháng 3/2020, dư nợ cho vay hộ nghèo trong toàn tỉnh đạt trên 262,5 tỷ đồng, với 5.783 khách hàng còn dư nợ. Đồng thời, nhằm khắc phục tình trạng tái nghèo, từ năm 2015, hộ mới thoát nghèo được tiếp tục vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo nhằm tiếp vốn cho hộ nghèo có thêm nguồn lực thoát nghèo bền vững. Đến hết tháng 3/2020, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.119 tỷ đồng, với trên 24,4 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Anh Nguyễn Chi Lăng ở thôn 2, xã Quảng Châu, TP Hưng Yên vui mừng chia sẻ, từ khi còn là một hộ nghèo, gia đình tôi đã được vay vốn NHCSXH để làm ăn, ổn định cuộc sống. Tôi được vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo, chương trình học HSSV cho con học đại học. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nên năm 2014, gia đình tôi đã thoát nghèo. Khi thoát khỏi diện hộ nghèo, chúng tôi đang lo bị “đứt vốn”, khó khăn sản xuất, thì cuối năm 2015, gia đình lại được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với thủ tục đơn giản. Nhờ NHCSXH liên tục tiếp vốn vay, chúng tôi mới có điều kiện thoát nghèo, phát triển sản xuất, nuôi con học tập, trang trải chi tiêu, trả được nợ, sửa sang lại nhà cửa cho khang trang hơn. Tôi có điều kiện để cải tạo vườn và thâm canh nhãn đặc sản. Tôi hy vọng nguồn vốn này sẽ giúp gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước phát triển kinh tế gia đình.
Nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo là nguồn lực của Nhà nước, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc, quản lý dân chủ, công khai từ cơ sở, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với dịch vụ tài chính, tín dụng, sử dụng vốn để cải thiện kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo.
Để chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh Hưng Yên nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách và chất lượng dịch vụ uỷ thác. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, đoàn thể trong hoạt động tín dụng, nhất là đối với mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tăng cường hoạt động giám sát của tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân đối với việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi.
Chính quyền cơ sở cần phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan để tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn vật nuôi, lựa chọn ngành nghề với việc sử dụng vốn nhằm hỗ trợ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Bài và ảnh Minh Nghĩa
Các tin bài khác
- » “Bà đỡ” cho các hộ dân phục hồi sản xuất kinh doanh
- » Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp
- » Gia Lai hỗ trợ khách hàng bởi dịch bệnh Covid-19
- » Trồng quế, nuôi trâu, nông dân Yên Bái thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách - đòn bẩy thoát nghèo
- » Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất giữa dịch Covid-19
- » Hiệu quả từ vốn tín dụng chính sách ở Cà Mau
- » Gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân trong Covid-19
- » Tín dụng ưu đãi giúp người nghèo tăng thu nhập
- » Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh: Người nghèo, người thất nghiệp có thể được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng