Tín dụng chính sách - đòn bẩy thoát nghèo
Gia đình chị Hoàng Thị Thảo ở thôn 6A, xã Bình Thắng là một trong những hộ mới thoát nghèo năm 2019. Chị Thảo cho biết, năm 2015 gia đình được vay 15 triệu đồng, lãi suất 6,6%/năm để trồng mới 1ha điều. Khi trồng, gia đình chị thực hiện rất bài bản từ khoan lỗ, bỏ phân, mật độ hàng cây đúng quy cách; tỉa cành, tạo tán và vệ sinh vườn cây đúng quy trình kỹ thuật. Vì vậy, vụ năm nay đã cho thu bói.
Chị Thảo cho biết: Những hộ khó khăn như chúng tôi rất phấn khởi bởi nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp, trong khi NHCSXH về tận xã mở phiên giao dịch định kỳ hàng tháng. Việc đóng lãi, đáo hạn rất thuận tiện, ngoài ra người vay còn gửi thêm được tiền tiết kiệm để tránh những rủi ro khi gặp khó khăn đột xuất.
Gia đình ông Lê Xuân Năm ở thôn 8, xã Bình Thắng là hộ cận nghèo được NHCSXH huyện cho vay 2 chương trình: Hộ cận nghèo và nước sạch, vệ sinh môi trường, với tổng vốn 70 triệu đồng. Ông Năm cho biết: Với số vốn này, gia đình tôi đã khoan giếng, xây nhà vệ sinh, trồng và chăm sóc vườn điều. Có vốn, việc đầu tư sản xuất, bố trí việc làm trong gia đình thuận lợi hẳn lên. Vì lãi suất thấp, thời hạn vay lâu nên việc đóng lãi hằng tháng cũng rất nhẹ nhàng.
Kết thúc năm 2019, NHCSXH huyện Bù Gia Mập đã cho 10.105 lượt hộ vay với tổng dư nợ 228,49 tỷ đồng. Năm 2020, NHCSXH tiếp tục giải ngân cho vay 12 chương trình, với dư nợ ước khoảng hơn 250 tỷ đồng. Đến nay, việc giao dịch đã được NHCSXH huyện thực hiện cố định tại 8/8 xã. Các Điểm giao dịch được niêm yết công khai đầy đủ thủ tục giải quyết công việc của NHCSXH, công khai dư nợ, thông báo chính sách tín dụng ưu đãi theo đúng quy định. Hoạt động giao dịch tại xã được thực hiện nghiêm túc kể cả ngày lễ, thứ bảy hoặc chủ nhật. Trong các ngày giao dịch đều có sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo UBND các xã, đoàn thể, lực lượng dân quân, công an xã đảm bảo an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thoa - Giám đốc NHCSXH huyện Bù Gia Mập cho biết: Các thủ tục cho vay và phiên giao dịch tại xã đang thực hiện theo phương châm nhanh, gọn, an toàn và tiết kiệm chi phí đi lại cho hộ vay. Nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế thấp nhất rủi ro. Mục tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập giúp các hộ thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn.
Bài và ảnh Quang Minh
Các tin bài khác
- » Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất giữa dịch Covid-19
- » Hiệu quả từ vốn tín dụng chính sách ở Cà Mau
- » Gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân trong Covid-19
- » Tín dụng ưu đãi giúp người nghèo tăng thu nhập
- » Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh: Người nghèo, người thất nghiệp có thể được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng
- » Bảo đảm nhu cầu giao dịch tiền mặt và thanh toán của nền kinh tế
- » Công điện của NHNN: Đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân
- » Ngành Ngân hàng triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19
- » NHCSXH TP Đà Nẵng đồng hành phòng, chống dịch bệnh Covid-19
- » Hướng đến sinh kế bền vững