Hiệu quả từ vốn tín dụng chính sách ở Cà Mau
Đồng vốn thoát nghèo
Năm 2017, bà Lâm Mỹ Ngôn ở ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, được vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn của NHCSXH, thời hạn trả trong vòng 5 năm. Từ đồng vốn này, bà Ngôn cải tạo lại ao đầm, thả tôm, cua, chăn nuôi thêm gà, vịt. Hiện tại, gia đình bà đã vươn lên trở thành hộ khá giả với nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng gần 10 triệu đồng.
Bà Lâm Mỹ Ngôn chia sẻ: “Nếu không vay được vốn, bà phải vay bên ngoài với lãi suất cao. Nhờ có nguồn vốn này mà gia đình bà vượt qua khó khăn. Hiện tại, nguồn thu từ chăn nuôi gà, vịt, trồng rau đủ đảm bảo cuộc sống hàng ngày; còn thu nhập từ con tôm bà tích luỹ. Bà Ngôn mong rằng, ngày càng có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được nguồn vốn này để phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Một trường hợp thoát nghèo khác cũng từ nguồn vốn của NHCSXH là bà Nguyễn Thị Hằng ở ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Với số tiền vay được, bà Hằng sửa chữa mặt bằng mua bán. Việc bán buôn cũng thuận lợi hơn, giúp bà ổn định cuộc sống và xây được căn nhà như mơ ước. Bà Hằng cho biết: “Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm kinh tế, do phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao. Chuyện bán buôn phụ thuộc vào thị trường, năm được, năm mất. Do vậy, vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp là một giải pháp hỗ trợ người dân gặp lúc làm ăn không như mong đợi”.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo hay hộ mới thoát nghèo tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển SXKD, tạo việc làm, hạn chế vay nặng lãi nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất việc tái nghèo, tái cận nghèo.
Đồng hành cùng xây dựng NTM
Nguồn vốn chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH tỉnh Cà Mau, đã giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh. Qua đó, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Trước đây, gia đình ông Thạch Hồng Chiến ở ấp Tapasa 1, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, phải xin nước giếng khoan, dự trữ nước mưa để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Sau khi hoàn trả đúng hạn vốn vay cho hộ nghèo, gia đình ông Chiến được NHCSXH huyện Thới Bình xét cho vay để xây dựng công trình nước sạch và làm nhà vệ sinh. Nhờ có nguồn vốn này mà gia đình ông Chiến mới có cơ hội sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Gia đình chỉ có 4 sào đất sản xuất, hàng ngày chồng bà Diệp Thị Xiếu, Ấp 5, xã Thới Bình, phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống gia đình. Nhờ được vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường mà bà Xiếu có điều kiện sử dụng nước sạch đảm bảo vệ sinh và có nước tưới rau cải thiện bữa ăn hàng ngày. Bà Xiếu cho biết: “Tôi bị bệnh nên suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, lúc khoẻ thì tranh thủ trồng ít rau cải thiện bữa ăn. Nhờ được vay vốn tín dụng chính sách mà tôi khoan được cây nước để sử dụng, không phải đi xin nước ở nhà hàng xóm như trước đây”.
Thời gian qua, đối tượng cho vay theo chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không bó hẹp là hộ nghèo, đối tượng chính sách, mà mọi người dân có nhu cầu đều được vay. Hướng tới, ngành chức năng sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để tiếp tục đồng hành với các địa phương hoàn thành tốt tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, mở rộng đối tượng cho vay để các hộ dân được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ưu đãi, xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn quốc gia, cải thiện điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt cho cộng đồng dân cư.
Việc thực hiện chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua nguồn vốn tín dụng của NHCSXH không chỉ giúp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đưa các xã sớm hoàn thiện tiêu chí số 17 về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo đúng lộ trình xây dựng NTM của tỉnh.
Bài và ảnh Hồng Phượng
Các tin bài khác
- » Gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân trong Covid-19
- » Tín dụng ưu đãi giúp người nghèo tăng thu nhập
- » Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh: Người nghèo, người thất nghiệp có thể được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng
- » Bảo đảm nhu cầu giao dịch tiền mặt và thanh toán của nền kinh tế
- » Công điện của NHNN: Đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân
- » Ngành Ngân hàng triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19
- » NHCSXH TP Đà Nẵng đồng hành phòng, chống dịch bệnh Covid-19
- » Hướng đến sinh kế bền vững
- » Hiệu ứng tích cực từ chương trình cho vay nhà ở xã hội
- » Bảo đảm nhanh, đúng, trúng