Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở Hưng Yên

18/03/2020
(VBSP News) Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Hưng Yên giảm dần từng năm, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Nông dân Hưng Yên vay vốn chính sách đầu tư trồng nhãn

Nông dân Hưng Yên vay vốn chính sách đầu tư trồng nhãn

Chung tay giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo
Trong căn nhà khang trang, chị Nguyễn Thị Nhiên ở thôn Hương Quất 1, xã Thành Công, huyện Khoái Châu tâm sự: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi là “điểm tựa” giúp gia đình tôi thoát nghèo. Cách đây hơn 4 năm, tai họa ập đến khi chồng tôi không may bị tai nạn giao thông, không thể lao động được, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, Hội Phụ nữ xã Thành Công đã đứng ra tín chấp cho tôi vay 50 triệu đồng, từ nguồn vốn dành cho người nghèo của NHCSXH huyện Khoái Châu để phát triển kinh tế. Có vốn và được tham gia lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, gia đình tôi từng bước chuyển đổi sản xuất từ cấy lúa sang mô hình trang trại tổng hợp trên diện tích hơn ba mẫu ruộng, gồm: cây ăn quả, bò, gà và cá đã mang lại nguồn thu nhập 200 triệu đồng/năm cho gia đình. Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã vươn lên khá giả, ổn định.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thành Công Lê Thị Chinh cho biết: Với phương châm “vốn ưu đãi và kiến thức là cần câu” giúp nông dân thoát nghèo bền vững, Hội Phụ nữ xã Thành Công đã làm tốt từ công tác bình xét, đứng ra tín chấp vay vốn ưu đãi, đến việc trang bị kiến thức cho hộ nghèo làm kinh tế thông qua việc mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả cho gần 200 hội viên. Qua đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo tích cực tham gia những hoạt động chuyển giao KHKT, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm để sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả cao.
Chung tay giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) và các xã, phường đã cấp bổ sung hơn 8,4 tỷ đồng cho vốn tín dụng chính sách, đồng thời tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo nghề cho người lao động, chủ yếu là người nghèo. Cùng với nguồn vốn của địa phương, năm 2019, NHCSXH thị xã Mỹ Hào đã cho hơn 3.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi; có 178 hộ đã thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo ở thị xã Mỹ Hào giảm xuống còn 1,4%.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về công tác tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở tỉnh Hưng Yên đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Chỉ thị số 36-CT/TU đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH tỉnh Hưng Yên là đơn vị chủ công thực hiện tín dụng chính sách xã hội, trong 5 năm qua đã cho hơn 185 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi, với tổng doanh số cho vay hơn 4.000 tỷ đồng (trong đó, có hơn 84 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương). Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 41 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, hơn 35 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, hơn 10 nghìn lao động được tạo việc làm…; đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 6,81%, đến năm 2019 giảm xuống chỉ còn 1,9%. NHCSXH tỉnh Hưng Yên cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo phương thức ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể đã tạo được kênh dẫn vốn tín dụng chính sách nhanh và hiệu quả nhất đến các đối tượng thụ hưởng, thông qua việc bình xét cho vay công khai có tác động tích cực đến tính năng động, sáng tạo của các hộ vay vốn, khuyến khích việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; tạo khả năng phát huy thế mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc tập hợp lực lượng từ cơ sở chung tay giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo.
Nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn
Gia đình bà Phạm Thị Cánh ở thôn Thuần Xuyên, xã Hưng Long, thị xã Mỹ Hào thuộc diện hộ nghèo, sau một thời gian được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Thuần Xuyên, gia đình bà Cánh đã thoát nghèo, bà cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn là tổ chức gần dân nhất, hiểu và nắm được tâm tư, điều kiện, khả năng làm kinh tế của từng hộ nên giúp đỡ hội viên rất hiệu quả. Khi được NHCSXH thị xã Mỹ Hào cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi, chị em trong Tổ tiết kiệm và vay vốn đã khuyên gia đình tôi đầu tư vào chăn nuôi vịt sinh sản, gia đình tôi nghe theo. Nhờ chăm chỉ lao động, tích cực học hỏi kinh nghiệm qua các buổi tập huấn chăn nuôi, nên đàn vịt sinh sản hơn 1.000 con của gia đình bà phát triển tốt, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng, giúp bà vươn lên thoát nghèo.
Giám đốc NHCSXH thị xã Mỹ Hào Đặng Chiến Công cho biết: thành công lớn nhất của đơn vị là phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể xây dựng, kiện toàn mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn ưu đãi ở tất cả Điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện.
Với phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH tỉnh Hưng Yên và các hội, đoàn thể đã xây dựng được mạng lưới gần 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 100% số thôn, tổ dân phố ở tỉnh Hưng Yên để tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách. Các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn hội viên tham gia các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất phù hợp với ngành nghề lĩnh vực SXKD, lựa chọn các nhân tố tích cực để hỗ trợ phổ biến chuyển giao KHKT, đầu tư vốn tín dụng ưu đãi, xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình SXKD gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của từng địa phương; các tổ tương hỗ tương trợ, các Câu lạc bộ SXKD giúp nhau vươn lên thoát nghèo tại các địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh phối hợp hiệu quả giữa hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội đã hỗ trợ người dân xây dựng ngày càng nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả như: mô hình nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, mô hình trồng cây ăn quả, rau sạch; vay vốn SXKD, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần hạn chế tín dụng đen tại nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Xuân đánh giá: Sự quan tâm, chung tay của các cấp ủy, chính quyền các tổ chức hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị; nhất là, vai trò hạt nhân của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các các thôn, xóm ở tỉnh Hưng Yên đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn tín dụng ưu đãi, hàng năm có hàng nghìn hộ thoát nghèo. Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi được các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp tục được sử dụng hiệu quả hơn, NHCSXH tỉnh Hưng Yên phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác ủy thác cho vay tại cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, coi đây là khâu then chốt giúp hộ nghèo phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Hưng Yên giảm xuống chỉ còn 1,8%.

Bài và ảnh Phạm Hà

Các tin bài khác