Hiệu quả tín dụng chính sách cho hộ mới thoát nghèo

18/03/2020
(VBSP News) Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) giảm dần từng năm, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Hà Văn Bàng đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập ổn định

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Hà Văn Bàng đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập ổn định

Nổi bật nhất có thể kể đến đó là chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã và đang có hiệu quả tích cực trên địa bàn huyện. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững với các mô hình sản xuất hiệu quả, mạnh dạn mở rộng SXKD, từng bước nâng cao cuộc sống.
Ông Hoàng Đại Túy, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Ninh cho biết, chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo được thực hiện từ năm 2015. Đối tượng được vay vốn là hộ đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định. Chương trình là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững vì hầu hết điều kiện kinh tế của những hộ mới thoát nghèo tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo nếu gặp rủi ro.
Từ năm 2019, chương trình được nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ SXKD và khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng không quá 5 năm. Lãi suất cho vay là 8,25%/năm. Từ năm 2015 đến nay, dư nợ của chương trình đạt gần 70 tỷ đồng, với hơn 1.300 hộ gia đình vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Chương trình này thật sự có ý nghĩa đối với người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, bởi người dân có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Hà Văn Bàng ở thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh cho hay, bản thân ông là một thương binh, không làm được việc nặng cho nên đời sống gia đình rất khó khăn. Nhiều năm liền, gia đình luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã. Năm 2018, gia đình thoát nghèo, vừa mừng nhưng lại vừa lo. Lo không biết làm gì để có thêm thu nhập. Biết được thông tin NHCSXH huyện có chủ trương cho hộ mới thoát nghèo vay vốn làm ăn, ông liền làm hồ sơ để được hỗ trợ vốn vay.
Sau khi được ngân hàng cho vay 80 triệu đồng, ông Bàng đầu tư nuôi ong và bò. Những ngày đầu chập chững học nghề, ông chỉ nuôi một vài đàn ong. Vừa nuôi, ông vừa học hỏi thêm kỹ thuật với mong muốn có thể phát triển quy mô đàn ong. Sau thời gian vừa học vừa làm, ông đã nhân rộng lên thành 30 đàn ong, bước đầu đem lại thu nhập ổn định. Ông Bàng chia sẻ, ông nuôi ong bằng hoa tự nhiên cho nên mật vàng óng và chất lượng rất thơm ngon. Cứ đến mùa mật là bạn bè, người thân trong gia đình lại đặt mua, nhiều lúc không đủ mật để bán. Với giá 350.000 đồng/chai, bình quân ông thu về hơn 20 triệu đồng/năm. Nhận thấy nghề nuôi ong đem lại thu nhập ổn định, thời gian tới, ông muốn được hỗ trợ vay thêm vốn để mở rộng quy mô đàn ong. Không chỉ bán mật, ông sẽ bán thêm cả ong giống cho người dân có nhu cầu.
Đến thăm mô hình đánh bắt và nuôi cá lồng trên sông của gia đình ông Lê Hạnh ở tổ dân phố Phú Bình, thị trấn Quán Hàu, nhìn “cơ ngơi” của ông Hạnh không ai tin nó được dựng lên từ đôi tay của một nông dân từng thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Được chính quyền thị trấn tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó thông qua chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh, gia đình ông Hạnh đã vay 100 triệu đồng để mua sắm thuyền, ngư lưới cụ nuôi cá lồng trên sông. Mỗi ngày, sau khi đánh bắt cá về, ông đưa lên chợ bán, số cá nhỏ còn lại ông đem nuôi tại các lồng dọc bờ sông. Hiện nay, người dân rất ưa chuộng cá sông cho nên ngày nào gia đình ông Hạnh cũng có thu nhập từ việc bán cá, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng. “Hiện tại, gia đình tôi không còn sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề như trước đây. Không chỉ có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn, tôi còn mua sắm thêm trang thiết bị để mở rộng quy mô các lồng cá. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, tôi khó gây dựng được mô hình kinh tế ổn định như bây giờ”, ông Hạnh bày tỏ.
Cũng theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Ninh Hoàng Đại Túy, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã tạo đà cho các hộ thoát nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM ở địa phương. Thời gian tới, để nguồn vốn chương trình phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm sử dụng vốn, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn. Đồng thời, tiến hành rà soát, nắm danh sách đối tượng có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn, tạo điều kiện cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ dân.
Nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được xem là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để đồng vốn chính sách được sử dụng hiệu quả, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn cần định hướng, tư vấn cho hộ vay về phương án làm ăn khi vay; tăng cường giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn… qua đó, giúp cho hộ vay hạn chế được các rủi ro, vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Bài và ảnh Nguyễn Tuấn

Các tin bài khác