Ninh Bình tích cực tạo sinh kế bền vững cho hộ mới thoát nghèo
Hộ anh Lại Văn Cường ở phố Mai Hoa, thị trấn Yên Ninh trước đây là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đầu tư chăn nuôi bò. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, nguồn vốn vay ưu đãi đã phát huy hiệu quả tốt, giúp gia đình ông thoát nghèo.
Tuy nhiên sau khi thoát nghèo, gia đình anh Cường cũng như nhiều hộ mới thoát nghèo khác đứng trước khó khăn về vốn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, nguy cơ tái nghèo khi gặp rủi ro rất cao. Nhằm tiếp tục đồng hành cùng với hộ mới thoát nghèo, NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho anh Cường vay thêm 100 triệu đồng, mức vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo.
Có vốn, anh cùng các thành viên trong gia đình tính toán cải tạo chuồng trại chăn nuôi và mua thêm bò sinh sản. Hiện đàn bò phát triển lên 16 con, trong đó có 4 con sinh sản. Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông có lãi gần 100 triệu đồng. “Nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững, có tiền cho các con học hành và nâng cao chất lượng cuộc sống”, anh Lại Văn Cường nói.
Cũng nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay dành cho hộ mới thoát nghèo, gia đình bà Vũ Thị Thậm ở xóm 5 xã Yên Mạc đã sở hữu trang trại trăn nuôi tổng hợp có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Thậm cho biết: “Được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi, cùng với sự hỗ trợ của xã cho đấu thầu đất 313, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá và đưa các giống con nuôi mới, có tiềm năng vào khai thác. Hiện trang trại đang nuôi 300 vịt đẻ, 200 ngan đẻ, 700 đôi chim bồ câu pháp và 7 sào ao nuôi cá giống. Làm ăn hiệu quả, gia đình tôi không còn lo chuyện tái nghèo”.
Thực hiện Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm truyền tải vốn tín dụng ưu đãi đến hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh nhanh nhất và phát huy hiệu quả cao nhất.
Trên cơ sở rà soát nhu cầu vốn của tỉnh, hàng năm NHCSXH đã cân đối, bố trí kịp thời nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo, đồng thời, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Do đó, trong thời gian qua không có tình trạng có hộ mới thoát nghèo trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện mà không được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Bên cạnh đó, vấn đề giải ngân vốn được triển khai thực hiện tốt, trong giai đoạn 2015 - 2019, doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo toàn tỉnh đạt trên 490 tỷ đồng, với hơn 10 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; dư nợ cho vay đạt hơn 316 tỷ đồng với 6.873 khách hàng còn dư nợ. Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo luôn có tăng trưởng dư nợ lớn trong các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đang triển khai.
Cùng với việc giải ngân vốn nhanh chóng, chính xác, đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH tỉnh còn chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn. Nhờ đó, nợ quá hạn thấp, chiếm 0,06%/tổng dư nợ của chương trình. Nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đang được người dân tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, trồng rừng, cây ăn quả và cây lấy gỗ, cây dược liệu…
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết: Việc triển khai chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Thủ tướng Chính phủ là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, bởi hầu hết những hộ mới được công nhận thoát nghèo điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ tái nghèo nếu gặp rủi ro.
Sau 5 năm triển khai, chương trình đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 10 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo, giúp người dân tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào SXKD, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tăng dần vị thế trong xã hội.
Vừa qua, NHCSXH đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định (31/12/2020); kéo dài thời gian được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm; kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài… để người dân có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Hồng Giang
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách cho hộ mới thoát nghèo
- » Tiết kiệm để người khác vay
- » Tín dụng chính sách cải thiện cuộc sống người dân miền núi A Lưới
- » Nghĩa tình hai miền xuôi - ngược
- » Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong tuổi trẻ
- » Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm toàn diện các loại lãi suất
- » “Đòn bẩy” cho hộ mới thoát nghèo
- » Hiệu quả từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- » Góp phần đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- » Điểm tựa cho sinh viên nghèo ở Yên Phong