Đồng hành cùng CCB phát triển kinh tế

13/04/2020
(VBSP News) Những năm qua, Hội CCB huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác với NHCSXH huyện. Nhờ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên trên địa bàn huyện không những thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu.
2

Gia đình ông Nguyễn Văn Quảng vay vốn chăm sóc vườn cam, bưởi

Chủ tịch Hội CCB huyện Cao Phong Nguyễn Văn Dũng cho biết: Hội hiện có trên 2.700 hội viên, tỷ lệ hội viên nghèo còn 9%. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế được các cấp hội trên địa bàn huyện chú trọng. Trong đó, tập trung cải tạo vườn tạp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là ở những vùng còn nhiều khó khăn. Song song với đó, hội thể hiện tốt các công đoạn ủy thác cho vay. Hiện nay, hội có 52 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 10 xã, thị trấn, tổng dư nợ trên 70 tỷ đồng, với 1.800 hội viên vay vốn.
Hội CCB huyện là cầu nối giúp hội viên tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi như: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, SXKD vùng đặc biệt khó khăn, NS&VSMTNT. Để hội viên sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, hội chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ vay vốn trả lãi, gốc đúng hạn. Đồng thời, có hình thức khen thưởng, khích lệ các tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ đó, các hội viên đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, không ít hộ đã vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tỷ lệ hộ khá, giàu tăng từ 36% (năm 2014) lên 41% (năm 2019); số CCB nghèo giảm xuống dưới 10%.
Trong số các chương trình tín dụng, nguồn vốn vay cho hộ SXKD vùng đặc biệt khó khăn đang trở thành động lực giúp nhiều hội viên đầu tư phát triển sản xuất, gặt hái được những kết quả thiết thực. Điển hình là mô hình trồng cam, bưởi của hội viên Nguyễn Văn Quảng ở xóm Dệ, xã Bắc Phong. Trên đồi nhà với diện tích gần 1ha, trước đây là rừng tre, nứa rậm rạp. Còn nay, cam, bưởi phủ sắc xanh mướt.
Ông Quảng chia sẻ: Vụ năm ngoái, vườn mới cho quả bói, gia đình tôi thu được 200 triệu đồng. Còn vụ năm nay, cam, bưởi đều sai hoa, đang đậu quả tốt, gia đình rất phấn khởi. Để có được vườn đẹp như ngày hôm nay, gia đình ông đã phải đầu tư nhiều tiền bạc, công sức. Trong đó, nguồn vốn vay từ NHCSXH là khoản tiền quan trọng để gia đình mua phân bón cho cây. Qua nhiều kỳ vay, hiện gia đình ông đang vay 50 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Hội CCB xã Bắc Phong Phạm Quang Tuyến cho biết: Ngoài gia đình ông Quảng, hiện có trên 80% hội viên đang vay các nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, với tổng dư nợ 8,1 tỷ đồng. Các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhiều hộ đầu tư trồng, chăm sóc cam đem lại hiệu qua thiết thực. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, các hội viên đã sử dụng hiệu quả vốn vay, đời sống kinh tế không ngừng được nâng cao.
Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả thì hộ vay phải sử dụng đúng mục đích. Do đó, trong thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, giám sát, cũng như tạo điều kiện để hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, học tập các mô hình kinh tế cho hội viên. Vận động hội viên tích cực gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH, để tạo nguồn tích lũy khi gặp khó khăn, cũng như trả nợ, trả lãi ngân hàng đúng hạn, Chủ tịch Hội CCB huyện Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.

Bài và ảnh Viết Đào

Các tin bài khác