Nỗ lực vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Nhiều hộ ở thôn Trại Giềng, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương đều có nhà cao, cửa rộng, cuộc sống sung túc. Vậy mà nhà ông Nguyễn Xuân Lượng với 5 nhân khẩu vẫn phải đôn đáo lo từng bữa ăn. Cái khó bó cái khôn, khiến ông Lượng nghĩ chẳng thông, thường tìm đến rượu để giải khuây, trốn tránh nỗi sợ thường nhật cơm áo gạo tiền.
Năm 2014, cuộc sống gia đình ông lại càng khó khăn hơn khi ông Lượng bị chấn thương sọ não. Vậy là trong nhà có thứ gì giá trị đều phải bán đi để lấy tiền chữa trị cho ông. Thật may trong suốt 2 năm chữa trị, sức khỏe của ông Lượng dần ổn định nhưng đổi lại, cuộc sống của gia đình ông lại phải bắt đầu từ con số không với tờ giấy chứng nhận hộ nghèo. Như bừng tỉnh sau cơn mê, ông Lượng tuyệt nhiên không màng đến một giọt rượu và bắt đầu tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Khi biết được ý định vay vốn để phát triển kinh tế của ông Lượng, NHCSXH huyện Tam Dương đã cử cán bộ tín dụng phối hợp cùng Hội Nông dân xã Thanh Vân tư vấn hướng phát triển kinh tế gia đình cho ông.
Với lợi thế có diện tích đất rộng hơn 1.000m² cộng với 8 triệu đồng từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, ông Lượng đã đầu tư nuôi một cặp trâu nái. Mát tay trong chăn nuôi, ông Lượng dần có tích cóp từ cặp trâu nái này. Ông tiếp tục được vay vốn NHCSXH thêm 30 triệu đồng, rồi 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Hiện nay, gia đình ông Lượng đã có một khu chuồng với diện tích gần 150m² với hơn 1.000 gà đẻ. Ông dự tính sau khi hoàn thành thêm khu chuồng mới, ông tiếp tục đầu tư nuôi gà đẻ, nâng tổng đàn gà lên từ 2000 - 2.500 con.
Ông Lượng chia sẻ: “Từ ngày được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn, tư vấn phát triển kinh tế đúng hướng, cuộc sống của gia đình tôi thật sự bước sang một trang mới. Gia đình không phải lo ăn từng bữa mà đã có tích lũy, cải thiện cuộc sống”.
Từ một hộ nghèo nhất thôn Trại Giềng, đến năm 2018, gia đình ông phấn khởi khi không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, các con ông tự tin xin làm việc trong các công ty ở khu công nghiệp của tỉnh.
Cũng như ông Lượng, cuộc sống của bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Toan ở thôn Trại Giềng đỡ vất vả hơn khi được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản.
Nằm trong diện hộ nghèo suốt 7 năm, nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, đến năm 2019, cuộc sống của mẹ con chị Toan đã khấm khá hơn khi trở thành hộ cận nghèo của xã.
Chị Toan tin tưởng rằng, với chính sách hỗ trợ của các cấp, ban, ngành, hội, đoàn thể cùng sự giúp đỡ của bà con lối xóm và sự tần tảo của bản thân, cuộc sống của mẹ con chị sẽ sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Huy động nguồn lực tiếp sức người nghèo
Với nhiệm vụ trọng tâm là cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhiều năm qua, NHCSXH huyện Tam Dương đã góp phần giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm trên địa bàn huyện.
Giám đốc NHCSXH huyện Tam Dương Trịnh Viết Thanh Tùng cho biết: Thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững của huyện, nhiều năm qua, NHCSXH huyện đã tập trung mọi nguồn lực để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế.
Bên cạnh việc tiếp nhận vốn do ngân sách Nhà nước cấp, ngân hàng tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo.
Đến hết tháng 3/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Tam Dương đạt 313 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với đầu năm 2019. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt hơn 27 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt hơn 36 tỷ đồng, tốc độ tăng 24,1%. Tổng dư nợ đạt hơn 304 tỷ đồng với hơn 10 nghìn hộ còn dư nợ.
Kịp thời thực hiện các chủ trương của Chính phủ, NHCSXH huyện Tam Dương chủ động phối hợp với các cấp, Sở, ban ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách vay vốn ưu đãi hiệu quả đến với người dân. Vì vậy, đã tăng được quy mô tiếp cận vốn tín dụng chính sách.
Riêng quý I/2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện, nhưng NHCSXH huyện đã tạo điều kiện cho 860 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn.
Đối với những khó khăn của đối tượng vay vốn trong thời gian diễn ra dịch bệnh, NHCSXH huyện đã sớm áp dụng các chính sách gia hạn trả nợ gốc, lãi vay trong 1 tháng. Đồng thời, tập trung nguồn lực, triển khai huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Bài và ảnh Hoàng Nga
Các tin bài khác
- » Gieo mầm no ấm trên cao nguyên đá
- » Sát cánh cùng người dân vượt khó bởi dịch Covid-19
- » Ngân hàng Nhà nước phục vụ ai?
- » Về nơi in dấu chân Người
- » Tháng Năm và đạo lý dân tộc “ăn quả nhớ người trồng cây”
- » Khánh thành Đền Chung Sơn, đền thờ gia tiên Bác Hồ
- » Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Ngân hàng Việt Nam
- » Nhân lên những giá trị tốt đẹp từ tư tưởng Hồ Chí Minh
- » Học Bác Hồ về tiết kiệm và chăm lo cho người nghèo
- » Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng