Đưa nguồn vốn tín dụng đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

29/05/2020
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH TP Hồ Chí Minh đã luôn tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời tại địa bàn xã, phường nơi cư trú.
tp hcm

Người nghèo và các đối tượng chính sách TP Hồ Chí Minh nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là phấn đấu đến cuối năm 2020, thành phố hoàn thành nâng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo lên 3,5 lần so với năm 2011. Đến cuối năm 2019, thành phố không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn quốc gia, còn 48 hộ cận nghèo chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (tỷ lệ 0,002%); còn 9.668 hộ nghèo (tỷ lệ 0,39%) và 22.859 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,93%) theo chuẩn thành phố.
Hoạt động của NHCSXH TP Hồ Chí Minh đã và đang gắn kết mật thiết với các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội của thành phố; là công cụ hiệu quả trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng NTM địa phương.
Đến hết tháng 3/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH TP Hồ Chí Minh đạt 4.796 tỷ đồng, tăng 2.445 tỷ đồng (gấp 2,04 lần) so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 1.853 tỷ đồng (chiếm 38,6%), nguồn vốn nhận ủy thác cho vay tại địa phương là 2.943 tỷ đồng, tăng 2.504 tỷ đồng (tăng 5,71 lần) so với thời điểm cuối năm 2015 (chiếm 61,4%/tổng nguồn vốn).
Trong 5 năm qua, toàn thành phố đã có trên 254.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư SXKD, gần 60.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2016 - 2018 và giai đoạn 2019 - 2020; gần 124.000 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm; trên 2.700 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn; trên 9.800 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập…
Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả đã xuất hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: chăn nuôi bò thịt ở huyện Củ Chi; trồng mai ở quận Thủ Đức; Tổ hợp tác trồng rau sạch ở huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; nuôi con hàu và làm muối ở huyện cần Giờ; Câu lạc bộ trồng hoa lan kiểng ở huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn; Tổ hợp tác may gia công các mặt hàng truyền thống của cộng đồng người dân tộc Chăm ở quận Phú Nhuận…
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết: Trong thời gian tới, HĐND và UBND thành phố tiếp tục cân đối nguồn vốn ngân sách, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện bảo đảm hoạt động NHCSXH được ổn định, bền vững và góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu, bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.
Hàng năm, UBND các quận, huyện chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ngay từ đầu năm để ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hoặc cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn quận, huyện theo quy định UBND thành phố (từ 2 - 3 tỷ đồng/năm).
“Đề nghị Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn với đối tượng là hộ có mức sống trung bình và nâng mức cho vay từ 2,5 triệu đồng lên mức 3,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường. Đồng thời, UBND thành phố cũng đề nghị xem xét, có cơ chế khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ từ 3 - 5 năm cho những trường hợp hộ gia đình vay vốn HSSV đã hết thời gian gia hạn nợ và có đơn đề nghị trả nợ dần, được chính quyền địa phương xác nhận về hoàn cảnh gia đình và HSSV ra trường chưa có việc làm hoặc việc làm không ốn định, không phù hợp ngành học, không có thu nhập để phụ giúp gia đình trả nợ…”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm đề xuất.

Bài và ảnh Minh Lâm

Các tin bài khác