HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2020
Biển gọi

04/06/2020
(VBSP News) Như một dấu đỏ định vị, tôi cùng bao người Việt Nam thao thức khi hướng về Trường Sa. Hùng vĩ và thiêng liêng, những câu chuyện huyền thoại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quần đảo Trường Sa luôn thôi thúc triệu con tim hướng về.
Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng bên cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa

Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng bên cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa

Không thể nói hết được những cảm xúc của chúng tôi trong một ngày đầu năm 2019, khi nhận được thông báo mình sẽ là một trong 50 thành viên của đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng lên đường thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ quân dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/9. Xen lẫn niềm háo hức được khám phá một địa danh lịch sử với những huyện thoại và Biển Đông vẫn thường trực trong nỗi nhớ của chúng tôi đầy thi vị trong thơ ca khiến cho mỗi người có những khoảnh khắc lặng im nghĩ suy về nơi hàng nghìn năm dựng nước, bao thế hệ cha ông đã anh dũng chiến đấu, ngã xuống và để cho Tổ quốc kiêu hãnh bay lên.

Rồi ngày lên đường cũng đến, sau khi đến thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng đã đến dâng hương Khu tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi giữ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa). Các thành viên đều thành kính tưởng nhớ những người con kiên trung của dân tộc đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Trước khi lên tàu HQ 571, tôi không bao giờ quên được con đường quanh co dẫn từ thành phố Cam Ranh đến Quân cảng Cam Ranh. Trong buổi chiều lộng gió, đầy nắng, chúng tôi tạm biệt đoàn cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân tiễn đưa những đại biểu từ đất liền lên đường làm nhiệm vụ. Tàu tiến thẳng ra khơi, chúng tôi ngoái nhìn lại đất liền và cảnh vật lặng lẽ phía bờ xa, phía trước màn trùng xa gợi lên cảm giác mênh mông sóng nước. Rồi chúng tôi cứ lặng im, theo đuổi những cảm xúc riêng của mình cho đến khi đất liền không còn trông thấy.

Có ra Trường Sa mới thấy phần nào khó khăn, gian khổ mà những con người nơi đây phải chịu đựng. Nhiều đảo các cán bộ, chiến sĩ phải sống trên diện tích chỉ khoảng vài chục mét vuông, nước ngọt phải dè sẻn đến mức tối đa khi gần một năm trời không “nhỏ” một giọt mưa; ngày đêm phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu chống lại các mối nguy hiểm rình rập…

Sống ở quần đảo Trường Sa là đối mặt với nguy hiểm nhưng cuộc sống ở đây luôn mang đậm nét lạc quan. Điều này thể hiện rõ mọi lúc, mọi nơi, không chỉ ở cán bộ, chiến sĩ, người dân mà ở cả các cháu nhỏ. Chính tinh thần cao cả và những nỗ lực vượt qua khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã tạo nên khí phách Trường Sa. Bất cứ ở đảo nổi hay đảo chìm, hình ảnh người chiến sĩ hiên ngang cầm súng đứng gác dưới cờ Tổ quốc tung bay bên cột mốc chủ quyền của Tổ quốc luôn tạo cảm hứng để các nhà báo khao khát phản ánh, thể hiện.

Khác với những chuyến đi sáng tác trên đất liền, để ra Trường Sa khoảng chục ngày, trong khi những đại biểu ra đảo chỉ với hành trang gọn nhẹ thì nhà báo phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mọi mặt. Ngoài chuẩn bị về kiến thức và đồ dùng, cá nhân bảo đảm sức khỏe tốt, máy móc trang bị mang theo phải đầy đủ và bảo đảm dự phòng cao nhất. Sự chuẩn bị cẩn thận công phu vì chẳng may nếu xảy ra sự cố và máy móc thì thiệt hại không hề nhỏ.

Có ra Trường Sa mới thấy được tình cảm ấm áp và sự ủng hộ to lớn của quân dân cả nước dành cho cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Với lòng yêu nước, trách nhiệm với biển, đảo quê hương, các cấp, ngành, đơn vị của tỉnh Cao Bằng đã đóng góp ủng hộ quà tặng quân, dân Huyện đảo Trường Sa trị giá trên trên 600 triệu đồng; ủng hộ tặng quân, dân Huyện đảo Trường Sa một xuồng chủ quyền trị giá 3,7 tỷ đồng.

Tình cảm quê hương cách mạng Cao Bằng dành cho Trường Sa luôn được các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo nhiệt tình đón nhận. Đặc biệt hơn là những lời ca, tiếng hát giữa Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng với những người lính giữ đảo thấy ấm áp tình người, đậm nét nhân văn. Ở trên đảo, không có hoa tươi, những người lính đảo đã sáng tạo ra “hoa Trường Sa” rất đặc trưng là sử dụng những sợi thép gắn ốc biển đẹp chẳng kém hoa ở đất liền tặng chị em khiến cho các tâm hồn trở nên đồng điệu.

Ở quần đảo Trường Sa đều rất đặc biệt bởi sự cách trở địa lý, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cảnh vật, cuộc sống và con người diễn ra như trên đất liền, với dân cư, trường học, chùa chiền. Khi đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ ở các đảo, điều thể hiện được cái gốc sâu lắng nhất trong đời sống tình cảm của người giữ đảo là những tấm hình gia đình, vợ con thân yêu được đặt ngay đầu giường cùng những giỏ lan được chăm sóc chu đáo và xanh mướt. Tại đảo Đá Đông C, Đại úy Đỗ Duy Trình, Chính trị viên đơn vị gây ấn tượng mạnh khi tận tay viết những dòng lưu bút lên bưu thiếp có in hình các đảo ở quần đảo Trường Sa tặng các đại biểu.

Bên cạnh nhịp sống, công tác, sẵn sàng chiến đấu nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng còn đến thăm chùa tại các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn. Chùa ẩn giữa những tán bàng vuông quần tụ cùng tán bồ đề, tỏa bóng rợp xuống không gian ấm cúng, trầm mặc. Trong sắc xanh của cây, xanh trời, xanh biển, bắt gặp những mái ngói rêu phong thâm nâu và mùi hương trầm ngát tỏa, tự dưng thấy lòng bình an hơn. Trong tiếng kinh cầu cùng tiếng chuông chùa đồng vọng, lan tỏa với nhịp điệu khoan hòa lẫn tiếng gió, tiếng sóng biển như toát lên tâm thế vững vàng nhưng đầy nhân hậu của dân tộc Việt Nam giữa muôn trùng sóng vỗ.

Đến Trường Sa những ngày tháng Năm thật thiêng liêng và ấm áp trong tình cảm của nhân dân quê hương cách mạng hướng về biển, đảo quê hương và chúng tôi viếng mộ liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Từ các nghĩa trang nhìn ra mênh mông sóng nước, chúng tôi cảm nhận được rất rõ sự hy sinh gian khổ, có những mất mát và giờ đây các liệt sĩ đã yên nghỉ giữa biển trời quê hương.

Và bên những rặng phi lao rì rào trong gió, xen lẫn những chùm hoa đại trắng muốt, trong mỗi chúng tôi, dường như các anh vẫn giữ lại những nụ cười thanh xuân, những ánh mắt tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống và những gương mặt vô tư, hồn nhiên trong sáng. Tại nghĩa trang liệt sỹ những ngày đặc biệt này, chúng tôi được nghe câu chuyện hào hùng, bi tráng và thấm đẫm nghĩa tình. Nơi đó đang nói với muôn thế hệ những lời bất tử hồn cốt của đất nước, truyền thống của cha ông đang được các thế hệ hôm nay gìn giữ và vun đắp để truyền lại cho cháu con mai sau.

Sóng Biển Đông dường như cũng lắng sâu hơn khi đoàn đại biểu tổ chức thắp nến, thả đèn hoa đăng trên vùng biển Gạc Ma, Ba Kè tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trên một số khuôn mặt của các đại biểu hiện rõ những nếp nhăn và khóe mắt ướt. Màu xanh của hòa bình đã vùi lấp những dấu vết đau thương nhưng chúng tôi và các thế hệ nối tiếp sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ. Để mỗi khi trở về đất liền, trái tim lại bồi hồi, mong ngóng được trở lại tri ân. Để nhận vào tâm tư mình thật nhiều giá trị của cuộc sống, để trân quý hơn giá trị của hòa bình, độc lập, toàn vẹn chủ quyền biển đảo quốc gia…

Hơn lúc nào hết, chúng tôi nhận ra bản thân mình cần phải tiếp tục thực hiện những hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc da cam, quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa, hành hương về nguồn, thắp nến tri ân… để làm đẹp thêm hình ảnh của một dân tộc nhân ái, nghĩa tình, thủy chung.

Trên hành trình giữa Biển Đông, giữa nắng gió của Trường Sa, chúng tôi bắt gặp những chuyến tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân một số tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên… đến quần đảo Trường Sa khai thác, đánh bắt các loại cá chim, cá thu, cá ngừ, cá mú và một số loài hải sản có lợi nhuận kinh tế cao. Đến đảo Trường Sa, trong buổi chiều yên bình, tôi đã gặp những người con của tỉnh Khánh Hòa. Họ mới ra đây định cư và lập nghiệp, tất cả đều được chính quyền Huyện đảo Trường Sa bố trí sinh sống trong những ngôi nhà khang trang.

Anh Đặng Trung Hiền và chị Trần Minh Cúc có một con gái 2 tuổi. Anh chị cũng như nhiều hộ dân hằng ngày vẫn ra biển đánh bắt cá, làm các đồ mỹ nghệ từ sản vật của biển. Chừng ấy thời gian là đã quá đủ cho một cuộc gắn bó, đủ để một người hòa nết ăn, nết ở của mình với nơi sóng nước. Thế mới thấy biển quê hương thật bao dung và che chở, để cuộc sống của những đôi vợ chồng luôn hòa thuận, khấm khá. Và cũng chính mỗi cư dân sống trên đảo đã thấm những mạch nguồn ngọt ngào trong huyết quản họ. Cho họ cảm giác như mình được sinh ra từ chính nơi đây để có nghĩa vụ phải sống trọn vẹn với biển, đảo quê hương.

Hiện nay, đời sống văn hóa tinh thần của quân và dân trên đảo được bảo đảm khá tốt. 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti vi có hệ thống thu tín hiệu vệ tinh. Trên đảo có các phòng đọc sách báo với hơn 4.103 đầu sách và trên 28 đầu báo các loại. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, quân và dân Huyện đảo Trường Sa luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân Việt Nam và các đối tượng khác bị nạn trên vùng biển quản lý, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, người chiến sĩ hải quân trong lòng nhân dân.

Đến đảo Trường Sa, các đại biểu được đứng trong hàng ngũ làm lễ chào cờ Tổ quốc, chào đảo thân yêu. Lễ chào cờ đem lại cảm xúc thật tự hào. Tiếng Quốc ca trầm hùng, dồn dập, thôi thúc những lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam cất lên từ những hàng quân hùng điệp; cờ Tổ quốc phần phật giữa biển trời bao la làm cho lòng mỗi người thêm yêu quê hương, đất nước.

Buổi đêm, khi tạm biệt đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đứng ở cầu tàu tiễn khách. Hàng trăm đại biểu đứng trên tàu hô lớn: “Cả nước vì Trường Sa”, ở trên đảo đáp lại: “Trường Sa vì cả nước”. Chúng tôi đi xa, dưới ánh đèn vẫn thấy đoàn người trông theo… Tàu xuôi về vùng biển phía Nam đến Nhà giàn DK1/9, nhìn như ngọn hải đăng giữa biển khơi.

Cuộc sống, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ như cheo leo trên bốn cột thép mà ôm trọn những cơn sóng lớn. Bên cạnh những phòng làm việc, còn có những thùng chứa thực phẩm, bồn nước sinh hoạt, những không gian nhỏ được tận dụng để trồng vài chậu rau xanh cải thiện. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, các cán bộ, chiến sĩ hằng năm còn chống chọi với những cơn bão tố của Biển Đông và chỉ có ý chí sắt đá mới giúp họ đứng vững giữa biển khơi.

Hành trình gần mười ngày trên quần đảo Trường Sa, mỗi đại biểu luôn cố gắng lưu giữ những vật phẩm, hình ảnh để làm kỷ niệm. Riêng tôi, kỷ niệm của mình là trên hành trình thiên lý đã vinh dự được đến với Trường Sa. Để khi chúng tôi trở về đất liền, mà vẫn nhớ cảm giác giữa biển trời mênh mông, ánh bình minh dần sáng rõ khi mặt trời nhô lên từ phía mặt biển báo hiệu một ngày mới. Đến bây giờ Biển Đông vẫn vẫy gọi những tâm hồn của mỗi người dân đất Việt hướng về biển trời Tổ quốc. Một mùa xuân bình yên nữa lại về trên biển, đảo quê hương.

Tiến Quyết /Báo Cao Bằng

Các tin bài khác