HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2020
Thiêng liêng biên đảo Trường Sa (Kỳ cuối - Lời thề tận trung)

07/06/2020
(VBSP News) Nơi biên đảo xa xôi, Trường Sa vẫn ngày đêm sóng gió gầm gào, luôn đối mặt với nhiều hiểm họa. Song, những đảng viên, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) hải quân vẫn một lòng son sắt, giữ trọn lời thề giữ vững từng tấc đất, ngọn sóng của cha ông.
Phút chia tay của những người lính Trường Sa

Phút chia tay của những người lính Trường Sa

Kiên định tư tưởng

Những ngày này ở Trường Sa, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy không khí thi đua chào mừng đại hội đảng các cấp. Đặc biệt, được tham gia những buổi sinh hoạt và đại hội tại các chi bộ, chúng tôi mới cảm nhận được hết lòng kiên định của các đảng viên nơi đảo xa. Lúc bình minh bên cầu cảng đảo Song Tử Tây, Thượng tá Phạm Duy Hướng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tâm sự, càng gian khó thì phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng được thể hiện rõ nét. Với người lính đã và đang công tác trên quần đảo Trường Sa, ý thức kỷ luật, chấp nhận gian khó, thậm chí là hy sinh tính mạng để bảo vệ chủ quyền biển đảo được xem là mệnh lệnh. Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân trở thành phẩm chất hàng đầu của mỗi chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Phẩm chất đó là cơ sở vững chắc của sức mạnh đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động; là động lực mạnh mẽ thúc đẩy CB-CS luôn nêu cao ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong câu chuyện với các sĩ quan đang công tác trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi luôn thấy được niềm tự hào về những người lính hải quân, về những đảng viên trên đảo. Dù ở hoàn cảnh nào, những người lính vẫn luôn kiên cường, bất khuất dù phải đối mặt với kẻ địch. “Khi có nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, đảng viên luôn là người tiên phong nhận nhiệm vụ. Mặc dù có thể hy sinh tính mạng nhưng đã là người lính, là đảng viên thì chúng tôi luôn đi đầu nêu gương, hết lòng vì nhân dân, vì Tổ quốc”, Thượng tá Trần Văn Quế - Chính trị viên, Bí thư Chi bộ đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ.

Tiếp nối truyền thống

Để thực hiện nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chủ quyền, gìn giữ bình yên cho vùng biên đảo, hàng ngày, các quân nhân đều được nâng cao nhận thức về đối tượng, đối tác, âm mưu thủ đoạn của nước ngoài. Chỉ huy các đảo thường xuyên nắm bắt tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Trung tá Phạm Doãn Thảo - Chính trị viên Cụm CĐ3, đảo Sơn Ca khẳng định: “Mỗi tấc đất, ngọn sóng hôm nay là mồ hôi, xương máu của cha ông ta, của các anh hùng liệt sĩ đã dày công xây dựng và bảo vệ. Tất cả CB-CS đang công tác trên quần đảo Trường Sa luôn cố gắng phấn đấu, vượt qua gian khó để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Điều đáng tự hào, ở Trường Sa, bên cạnh những người đã dành hết tuổi thanh xuân cho cuộc đời binh nghiệp, các CB-CS trẻ hôm nay cũng một lòng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, không phân biệt tôn giáo, dân tộc. Có những chiến sĩ là đồng bào dân tộc thiểu số, những con người vốn bao năm chỉ quen với đồi núi, cỏ cây, nhưng về với Trường Sa, với biên đảo quê hương, họ vẫn phát huy tốt năng lực ở vị trí công tác. Trung úy Phạm Công Giáp, sinh năm 1994, người dân tộc Mường (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), ra Trường Sa công tác từ năm 2018. Với gương mặt dạn dày sương gió, nụ cười hiền khô, Giáp đã say sưa kể về con đường binh nghiệp mà anh đã chọn. Giáp tâm sự: “Dù gia đình tôi không có truyền thống quân ngũ, nhưng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã quyết chọn con đường binh nghiệp làm lý tưởng của cuộc đời. Sự trưởng thành của tôi là tấm gương sáng cho em trai của tôi tiếp bước đời quân ngũ và đang theo học ở Trường Sĩ quan Chính trị. Nếu được nói với các bạn trẻ đồng bào dân tộc thiểu số, tôi mong muốn các bạn hãy phấn đấu, tu dưỡng để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Đến các đảo, nhiều người ngỡ ngàng vì những bụi tre đằng ngà, một biểu tượng bất khuất kiên trung của người Việt vẫn ngày ngày sinh sôi, phát triển. Những CB-CS hải quân trên các đảo hôm nay như những cây măng giữa muôn trùng phong ba bão táp, họ đang tiếp nối truyền thống “tre già, măng mọc” của cha ông, tiếp tục xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thiếu tá Tô Văn Thư (quê ở Thái Bình, là con trai Đại tá Tô Văn Chuẩn, nguyên Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa) từng nhiều năm công tác trên các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Tiên Nữ chia sẻ: “Bố tôi cả đời binh nghiệp cống hiến cho biển, đảo. Như một lẽ tự nhiên, tôi cũng gắn bó với biển, đảo. Tôi tin tưởng rằng không chỉ tôi mà triệu triệu người con đất Việt đều hướng về biển, đảo quê hương, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà ông cha ta đã bao đời gìn giữ”.

Giữ trọn lời thề

Trong những ngày cuối cùng của hải trình đến Trường Sa, không ít lần chúng tôi bắt gặp tàu nước ngoài cố tình chạy vào lãnh hải Việt Nam. Thượng tá Phạm Duy Hướng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: “Đây là chuyện thường ngày ở Trường Sa nên mọi người cứ yên tâm. Có những thời điểm, tình hình còn căng thẳng hơn rất nhiều, nhưng với bản lĩnh và mưu lược của người lính Trường Sa, không gì là không thể vượt qua”.

Trong chuyến công tác đến các đảo trên huyện đảo Trường Sa, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh đi thăm Trường Sa cùng lời thề giữ đảo được trưng bày ở nơi trang trọng. Qua lời kể của chỉ huy các đảo, hơn ba mươi năm về trước (năm 1988), trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa. Trong lễ kỷ niệm, Đại tướng đã nhấn mạnh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của CB-CS đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trong ngày cuối cùng ở trên tàu để trở về đất liền, đứng trước gần 50 phóng viên báo, đài, Thượng tá Phạm Duy Hướng một lần nữa khẳng định: “Trường Sa là môi trường vô cùng khắc nghiệt nhưng những người lính hải quân luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu. Các đồng chí, đồng bào hãy luôn vững tin vào lực lượng hải quân chúng tôi. Chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. Lời nói của Thượng tá Hướng cũng chính là lời thề tận trung của lớp lớp thế hệ CB-CS nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Hơn ai hết, họ là người hiểu rõ giá trị của độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Chia tay Trường Sa, chia tay những CB-CS Hải quân rắn rỏi, can trường, tôi càng trân quý hơn những con người đang sẵn sàng cống hiến, chẳng ngại hy sinh cho đất nước. Các anh là những người con trung hiếu của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân Việt Nam.

Đình Lâm/Báo Khánh Hòa

Các tin bài khác