HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2020
Tươi đẹp biển đảo quê hương

10/06/2020
(VBSP News) Trong chuyến hải trình đến quần đảo Trường Sa, chúng tôi không chỉ được gặp gỡ những người lính dạn dày gió sương, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng mà mỗi điểm đảo đi qua, chúng tôi còn bắt gặp cảnh thiên nhiên tươi đẹp trù phú của biển, đảo. Và bằng bàn tay, tình yêu với biển, những người lính Trường Sa ngày càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của đảo.
Điểm đảo Đá Tây B vững chãi giữa biển khơi

Điểm đảo Đá Tây B vững chãi giữa biển khơi

Từ hòn ngọc giữa biển Đông…

Chúng tôi cập đảo Trường Sa Lớn sau 2 đêm 3 ngày lênh đênh trên biển. Đảo Trường Sa Lớn nằm cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý, là đảo lớn nhất và là một trong những đảo đẹp nhất của quần đảo Trường Sa. Từ trên cao, Trường Sa Lớn hiện ra lung linh, vững chãi như một hòn ngọc. Nhiều công trình trên đảo đã và đang được đầu tư xây dựng. Nơi đây có giếng nước lợ có thể dùng để tắm, giặt và tưới cây. Trên đảo, cây xanh tỏa bóng mát như bàng vuông, phong ba, phi lao. Đặc biệt trên đảo có các hộ dân sinh sống từ nhiều đời nay làm nên một ngôi làng nhỏ giữa trùng khơi bao la. Không có tiếng ồn ào của xe cộ, không có khói bụi, không có buôn bán kinh doanh sầm uất nhưng lại có tiếng gà gáy râm ran, tiếng trẻ nhỏ bi bô nói cười. Tất cả làm nên một Trường Sa Lớn thật xanh, thật yên bình.

Rời đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi tới cụm đảo Đá Tây. Không biết từ khi nào, đảo Đá Tây được bộ đội Trường Sa và ngư dân gọi là thành phố của những đảo chìm. Đảo Đá Tây có hình quả trám, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chiều dài của bãi Đá Tây khoảng 9,1 km, chiều rộng khoảng 5,6 km. Đá Tây chia làm 3 điểm: Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C.  Đá Tây A có âu tàu là nơi tránh trú bão an toàn cho ngư dân và khoảng trên 200 tàu đi ngang qua đây. Đây là điểm cứu hộ và tiếp dầu cho các tàu cá Việt Nam. Tại điểm đảo Đá Tây A còn có Trung tâm dịch vụ hậu cần của Công ty Một thành viên Dịch vụ khai thác Biển Đông. Đây là nơi cung cấp nước ngọt miễn phí, dầu diezen, thực phẩm, thu mua hải sản cho ngư dân của ta, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, giảm chi phí, tăng thu nhập cho từng chuyến ra khơi.

Phía Tây của đảo, Công ty bảo đảm hàng hải Việt Nam đã xây dựng một ngọn hải đăng. Công trình này góp phần đảm bảo an ninh hàng hải, giúp tàu thuyền qua lại có thể tránh đâm va với các bãi đá ngầm. Đảo Đá Tây còn là biểu tượng của tình quân dân thắm thiết, là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi. Rời đảo Đá Tây, chúng tôi tới đảo chìm Thuyền Chài. Từ hình ảnh của vệ tinh, đảo Thuyền Chài giống như một chiếc thuyền. Nơi đây có bãi cạn dài với nguồn hải sản phong phú nhất. Đảo Thuyền Chài là nơi ngư dân thường chọn là điểm đến đầu tiên trong một năm mới trong những chuyến vươn khơi để cầu may mắn. Những bãi cạn là nơi tàu thuyền neo đậu về đêm tại đây khiến cho đảo Thuyền Chài trở nên nhộn nhịp hơn hẳn về đêm và trở nên lung linh hơn bởi các tàu, thuyền ra vào âu.

… Đến Trường Sa Đông

Trường Sa Đông là điểm đảo cuối cùng của chuyến hải trình chúng tôi đến. Từ xa Trường Sa Đông hiện ra với màu xanh ngút ngát. Những cây bàng vuông, bàng ta vươn mình mãnh liệt, can trường như người lính đảo. Đến Trường Sa Đông, chúng tôi cảm thấy như bước vào sự bình yên, mát mẻ của một làng quê Việt Nam chứ không phải một hòn đảo giữa đại dương bao la này. Đảo Trường Sa Đông là rạn san hô vòng, nằm cách đảo Đá Tây chừng 6 hải lý về phía đông bắc; cách đảo Đá Đông chừng 13 hải lý về phía tây bắc; cách Cam Ranh, Khánh Hòa khoảng 260 hải lý. Đảo nằm trên bãi san hô ngập nước, bề mặt san hô không bằng phẳng. Từ năm 2015, đảo được nâng cấp từ đảo cấp 3 lên đảo cấp 2.

Đây là đảo có lớp mùn san hô mỏng, nên chất đất cằn cỗi, rất khó trồng cây xanh. Tưởng chừng với thời tiết khắc nghiệt và chất đất cằn cỗi ấy, không một loại cây nào có thể vươn mình. Thế nhưng từ cầu cảng, nơi những bãi san hô bạc phếch do sóng dồn dập, chỉ đi bộ chừng vài chục mét, dễ dàng nhận ra một khung cảnh hoàn toàn khác biệt: Bắt đầu từ cột mốc chủ quyền, đến sân trung tâm và từng khu ở, khu làm việc của cán bộ, chiến sỹ, đâu đâu cũng chìm ngập màu xanh của nhiều loại cây che bóng mát và cả cây ăn trái như dừa xiêm. Bằng sự kiên trì và bản lĩnh của người lính nơi đầu sóng, ngọn gió, việc trồng cây xanh trên đảo chẳng khác gì một kỳ tích phi thường.

Cán bộ, chiến sỹ luôn làm tốt công tác chiết, trồng mới cây xanh. Từ những cây trồng là quà của đất liền, cán bộ, chiến sỹ trên đảo còn có tài trong việc thuần những loại cây ấy cho phù hợp với điều kiện của đảo. Theo Trung tá Trần Minh Đức, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông, việc thuần các loại cây mang ra từ đất liền rất kỳ công và vất vả như tận dụng các xơ dừa, bón phân vi sinh, che chắn sóng và gió biển cho cây. Đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm là vào mùa mưa, tuy lượng mưa lớn để tưới cho cây nhưng gió rất to, sóng lớn khiến cho việc trồng và chăm sóc cây xanh của lính đảo trong khoảng thời gian này vất vả nhất.

Để tránh những cơn gió to làm đổ, gãy cây xanh, những người lính phải tuốt bỏ bớt lá cho cây. Sau đó dùng dây buộc díu từ cành này sang cành kia để không cho cây gãy, đổ. Đoàn viên, thanh niên trên đảo là lực lượng xung kích trong công tác trồng, chăm sóc cây xanh. Trung úy Lê Danh Dũng, trợ lý hậu cần đảo Trường Sa Đông cho biết, trồng và chăm sóc cây xanh trên đảo vừa là nhiệm vụ quan trọng vừa là công việc mà Dũng yêu thích nhất mỗi ngày. Mỗi cây bàng vuông, cây tra, phi lao ở đây chẳng khác gì một người bạn của người lính, giúp họ thư giãn sau những giờ huấn luyện. 

Chia tay đảo Trường Sa Đông cũng là những giờ khắc kết thúc chuyến hải trình dài 18 ngày đến với Trường Sa, chúng tôi càng thêm tự hào và yêu biển đảo của Tổ quốc và cảm phục biết bao sự can trường nơi đầu sóng ngọn gió của người lính Trường Sa.

Thủy Châu/Báo Tuyên Quang

Các tin bài khác