Chung tay giúp cao nguyên Lâm Đồng phồn vinh

16/06/2020
(VBSP News) Từ vùng đất phía Nam Tây Nguyên, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng Võ Văn Thanh thông tin: Liên tục 18 năm qua, đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tính cả 5 tháng đầu năm 2020 bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công tác cho vay và quản lý các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước vẫn luôn phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng “thay da đổi thịt” trên toàn địa bàn tỉnh.
lam dong

Tín dụng chính sách giúp người nghèo ở Lâm Đồng thoát nghèo bền vững

Kết quả nổi bật nhất trong những năm tháng thực hiện Chỉ thị mới của Đảng ở Lâm Đồng không chỉ làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, hội, đoàn thể đối với vai trò của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội mà còn chuyển hóa bằng hành động thực tế. Đó là việc chuyển đều đặn nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để ủy thác cho hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, ổn định, cải thiện cuộc sống. Đến hết tháng 5/2020, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH là 178 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn hoạt động lên 3.616 tỷ đồng
Mọi đồng vốn ưu đãi của Nhà nước cấp và địa phương ủy thác đã được NHCSXH tỉnh Lâm Đồng chuyển tải kịp thời, đầy đủ về tận cơ sở, đáp ứng nhu cầu về SXKD của các đối tượng được thụ hưởng, tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lâm Đồng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi từ cung cách làm ăn tự cung, tự cấp sang trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con có giá trị kinh tế, hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.
Đưa Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách vào cuộc sống thực tiễn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần đáng kể tăng trưởng GDP bình quân tỉnh Lâm Đồng hàng năm lên trên 7%, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,6% đầu năm 2015 xuống còn 2,85% cuối năm 2019, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 96 xã; trong đó, 100% xã của huyện Đơn Dương và 5 xã của huyện 30a Đam Rông đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí của chương trình xây dựng NTM vào đầu năm 2020.
NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn đổi mới quy trình, thủ tục, phương thức truyền tải vốn vay ưu đãi đến tận tay hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn thông qua 142 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và mạng lưới hơn 2500 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp thôn, bản.
Từ nguồn vốn ưu đãi, hầu hết hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS ở cao nguyên Lâm Đồng đã sản xuất kịp thời vụ hơn, đạt kết quả cao hơn trong SXKD, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Nhiều thôn xã phấn đấu ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn. Đơn cử xã Đà Ròn đã giảm nhanh hộ nghèo từ 27% năm 2015 xuống 11,4% cuối năm 2019 và về đích nông thôn mới vào đầu năm nay. Hiện, tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt 28,8 tỷ đồng.
Gia đình bà Ka Sel ở thôn 4, xã Đà Ròn đã vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để chăn nuôi 1 cặp bò sinh sản. Nhờ sử dụng vốn đúng kế hoạch cùng với sự chăm sóc phòng bệnh gia súc chu đáo, công việc chăn nuôi suôn sẻ, gia đình bà nay đang sở hữu đàn bò 9 con với tổng giá trị 20 triệu đồng. “Gia đình tôi phấn đấu đến hạn trả hết nợ vay cho ngân hàng và tự xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã”, bà Ka Sel vui vẻ nói.
Tiêu biểu cho ý chí vượt khó làm giàu là các gia đình ở vùng đất Nghệ Tĩnh đã rời bỏ quê hương bản quán lên huyện nghèo 30a Đam Rông lập nghiệp. Vốn liếng họ mang theo chẳng đáng kể ngoài sự lao động cần cù và tinh thần vượt khó. Được các cấp chính quyền, ban ngành ở địa phương giúp đỡ; trong đó có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH hỗ trợ kịp thời, số hộ “dân mới” trên “quê mới” đã có điều kiện yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, một số người đã trở thành chủ nhân giàu có với cơ ngơi nhà ở đầy đủ, con cái học hành thành đạt
Gia đình ông Nguyễn Đình Thân là một dẫn chứng sinh động. Tiếp chúng tôi giữa nương dâu xanh mướt, ông Thân nhớ lại: “Cả nhà tôi bao gồm 2 vợ chồng và 4 người con rời làng quê gió Lào nắng lửa khô hạn Hương Khê, Hà Tĩnh đầu năm 2012 theo diện đi xây dựng kinh tế mới. Lúc ấy, huyện Đam Rông còn hoang vắng, đường đi bụi mù về mùa khô, lầy thụt sau mỗi trận mưa nguồn.
Từ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi của chương trình hộ nghèo cùng với tinh thần vượt khó, ông Thân đã gây dựng được mô hình đa cây đa con trên diện tích 3,8ha dâu tằm, cà phê, ngô lai, mỗi năm thu trên 200 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình khấm khá, trả hết nợ vay cho ngân hàng, ông Thân đã nhiệt tình tham gia công tác xã hội, được Đảng bộ và nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã.
Bí thư Huyện ủy Đam Rông Trần Minh Thức cho biết: Nguồn vốn ưu đãi đã làm chỗ dựa vững chắc cho các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS nơi đây. Hầu hết các hộ gia đình đều được tạo điều kiện vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vay kết hợp với ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để thoát nghèo nhanh, bèn vững, làm giàu chính đáng.
Núi rừng Nam Tây Nguyên đang khởi sắc có dấu ấn không nhỏ từ những đóng góp của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng. Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 40-CT/TW, đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực, đổi mới phương thức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tăng vốn cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để phục vụ đắc lực, hiệu quả chương trình giảm nghèo, bền vững, phát triển kinh tế xã hội giúp cao nguyên Lâm Đồng ngày càng phồn vinh.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Các tin bài khác