NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc chung tay khắc phục hậu quả dịch bệnh
Dòng vốn được cung cấp kịp thời, đầy đủ
Vốn ưu đãi của NHCSXH góp phần đưa hàng nghìn người dân tỉnh Vĩnh Phúc vươn lên thoát nghèo, nhiều HSSV được tiếp tục đi học, lao động có việc làm và đi làm việc ở nước ngoài, hàng chục nghìn công trình NS&VSMTNT được xây dựng mới… là những kết quả đầu tư từ NHCSXH Vĩnh Phúc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Hiện nay, 79.002 hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn tỉnh đang được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH với số tiền hơn 2.717 tỷ đồng thông qua 12 chương trình tín dụng chính sách khác nhau. Nguồn vốn này đã góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương với tốc độ giảm nghèo hàng năm từ 0,5 - 1%.
Bạch Lưu là xã miền núi, xa trung tâm huyện, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, vài năm trở lại đây người dân trong xã đã mở rộng chăn nuôi động vật hoang dã như: rắn và nhím. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giúp hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo, góp phần đưa xã thoát khỏi xã vùng khó khăn; gần 80% hộ dân được vay vốn từ NHCSXH với dư nợ gần 30 tỷ đồng.
Đến thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu, chúng tôi thăm gia đình bà Vũ Thị Hồi là một trong nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay từ NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc. Chia sẻ với phóng viên, bà Hồi cho biết: Năm 2008, khi biết nghề chăn nuôi rắn tạo ra thu nhập cao, tôi cũng mày mò học cách chăn nuôi. Sau khi học được cách chăn nuôi thì được UBND xã tuyên truyền về nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Tôi đã đăng ký và được xem xét cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi.
Với nguồn vốn và kinh nghiệm còn ít, bà Hồi đầu tư nuôi gần 50 con rắn. Qua thời gian chăn nuôi, nhận thấy việc nuôi rắn không quá khó khăn và mang lại thu nhập cao cho gia đình. Năm 2012, bà Hồi tiếp tục được xét duyệt vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Đến nay, đàn rắn của gia đình bà đã hơn 400 con, thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng/năm.
“Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay rắn không bán được mà vẫn phải cho ăn hàng ngày. Rắn đã lớn cực đại không thể lớn thêm được nhưng vẫn phải cho ăn. Tiền mua thức ăn và tiền đèn sưởi cũng đã tốn hàng chục triệu đồng. Nếu cứ kéo dài thì nhiều gia đình sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập và khó khăn trong việc trả nợ tiền vay”.
Hiện xã Bạch Lưu có hai làng nghề nuôi rắn với 109 hộ chăn nuôi rắn hổ mang với tổng số lượng gần 40.000 con; trong đó 22.700 con rắn bố mẹ và 16.600 con rắn thương phẩm. Trước đây, việc chăn nuôi rất phát triển, nguồn lợi thu được giúp cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, do dịch bệnh, rắn không bán được gây ứ đọng vốn và tốn kém thêm rất nhiều chi phí cho các hộ chăn nuôi, nhiều hộ đã không còn khả năng trả nợ khi đến hạn. Do đó, sự hỗ trợ của NHCSXH lúc này rất quan trọng.
Ông Vũ Văn Bình - Thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô cho biết: “Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự cố gắng tự vươn lên của hộ nghèo và các đối tượng chính sác khác, đến nay, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin tưởng với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Chính phủ; sự đồng hành của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc, người dân xã Bạch Lưu sẽ sớm khắc phục được hậu quả từ dịch bệnh và tiếp tục khôi phục sản xuất vươn lên thoát nghèo”.
Để “không ai bị bỏ lại phía sau”
Từ đầu năm 2020 đến nay, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân cho 12.238 khách hàng với số tiền 465.513 triệu đồng, kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.643 khách hàng số tiền 57.517 triệu đồng. NHCSXH tỉnh đã thực hiện bổ sung nguồn vốn ưu đãi và kéo dài thời gian trả nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN để chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Tạ Ngọc Thảo cho biết: Khách hàng của NHCSXH là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, là những người yếu thế trong xã hội. Đây là những người cần được hỗ trợ tức thời và đầy đủ để có thể phục hồi sau đại dịch. NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện rà soát, cho vay mới và kéo dài thời gian trả nợ kịp thời đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vốn ưu đãi sẽ tiếp tục góp phần giúp cho nhiều hộ gia đình khôi phục sản xuất, vươn lên thoát nghèo và đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh đã chủ động tham mưu và đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm thực hiện giải pháp mở rộng tín dụng chính sách xã hội đẩy lùi “tín dụng đen”. Phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu huy động nguồn vốn, dư nợ được giao (kể cả nguồn vốn Trung ương và địa phương) trong năm 2020. Tiếp tục làm tốt công tác tăng cường tuyên truyền, triển khai cho vay HSSV, tận dụng tối đa nguồn vốn thu hồi tại chỗ để cho vay quay vòng không để tồn đọng vốn và nâng cao hệ số sử dụng vốn, tuân thủ nghiêm hạn mức Quỹ an toàn chi trả…
Để tiếp tục duy trì được chất lượng tín dụng chính sách xã hội ngày càng nâng cao và ổn định, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Cụ thể như: Chủ động phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng các đơn vị trong chi nhánh; nắm bắt và phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do thiên tai dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và nguyên tắc có vay có trả cho người dân…
Với địa phương có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp như Vĩnh Phúc, việc triển khai Nghị quyết 42/2020/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động được NHCSXH triển khai tích cực và nhanh chóng. Ngay khi có chỉ đạo về việc cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã lập tức tổ chức tập huấn đến toàn bộ cán bộ nhân viên trong đơn vị, chủ động tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền để các doanh nghiệp nắm bắt được đầy đủ và kịp thời chính sách cũng như hồ sơ vay vốn. Đến nay, về nguồn vốn, nhân sự, trang bị kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ đã sẵn sàng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được đầy đủ chủ trương chính sách hỗ trợ và hồ sơ thủ tục nhận vốn vay.
Bài và ảnh Minh Tú
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm
- » Chung tay giúp cao nguyên Lâm Đồng phồn vinh
- » Chính sách hỗ trợ nhà ở giúp hộ nghèo Bình Phước ổn định cuộc sống
- » Vốn ưu đãi tiếp sức cho những mô hình sản xuất mới
- » Tín dụng chính sách góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn
- » Tiếp sức cho nông dân Hưng Yên làm giàu
- » Hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm
- » Hành trình bền bỉ của tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2020 <br/> Tươi đẹp biển đảo quê hương
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2020 <br/> Trường Sa - Khát vọng hòa bình