Những nỗ lực giảm nghèo ở Lâm Bình

11/07/2020
(VBSP News) Huyện Lâm Bình được thành lập năm 2011, trên cơ sở các xã khó khăn của huyện Na Hang và Chiêm Hóa. Theo kết quả điều tra năm 2016, Lâm Bình có tỷ lệ hộ nghèo gần 61%, nghèo nhất tỉnh Tuyên Quang. Sau gần 5 năm nổ lực phấn đấu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đến nay hộ nghèo giảm xuống còn 36%, nhiều xã cán đích xây dựng NTM.
lam binh

Từ vốn vay ưu đãi, gia đình anh Tráng A Thăng đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi trâu vỗ béo

Có tín dụng chính sách đồng hành
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hiền, năm 2019 Lâm Bình được Nhà nước phân bổ 12.271 tỷ đồng từ các nguồn vốn để hỗ trợ chương trình giảm nghèo. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng 9.142 tỷ đồng, vốn hỗ trợ sản xuất 2.324 tỷ đồng. “Huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn này để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, phát triển hệ thống thông tin truyền thông, hỗ trợ cây con giống, máy móc… tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người nghèo”, ông Hiền đánh giá.
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, NHCSXH huyện Lâm Bình đã đồng hành cùng huyện mọi lúc, mọi nơi trong công tác giảm nghèo, xây dựng NTM. Năm 2019, Lâm Bình đạt tổng dư nợ tín dụng chính sách hơn 278 tỷ đồng, tăng hơn năm 2018 là 15 tỷ đồng, với 6.123 hộ còn dư nợ. Trong đó, 3 xã NTM là Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can có dư nợ trên 130 tỷ đồng, 659 hộ vay vốn.
Nguồn vốn NHCSXH cho vay theo chương trình NTM và các chương trình khác đã và đang phát huy hiệu quả, nhiều hộ đã tạo dựng được mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững; nhiều hộ đồng bào DTTS vùng cao đã xây dựng được các công trình hợp vệ sinh, cải thiện môi trường sống, nâng cao sức khỏe, góp phần xây dựng NTM.
Khai thác lợi thế địa phương
Lâm Bình có diện tích tự nhiên 78.150ha, trong đó đất nông nghiệp chỉ có 2.444ha, còn lại là đất lâm nghiệp. Điều kiện đất đai, khí hậu thuận tiện cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Có vốn vay ưu đãi, khai thác lợi thế thiên nhiên, mấy năm nay Lâm Bình phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản, hoặc nuôi vỗ béo bằng phương pháp nhốt chuồng, trồng cỏ làm thức ăn; nhiều hộ phát triển đàn dê, kết hợp trồng và bảo vệ rừng.
Tráng A Thăng là hội viên nông dân ở thôn Tốc Tiên, xã An Bình. Năm 2014, anh được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng. Có vốn, anh đầu tư vào chăn nuôi trâu vỗ béo. Sau 3 năm chăn nuôi hiệu quả, năm 2017 anh trả hết nợ ngân hàng. Tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi, năm 2018 anh mạnh dạn vay lên mức tối đa 100 triệu đồng, đầu tư vào làm chuồng trại chăn nuôi trâu, kết hợp mở quán bán hàng tạp hóa. Với hình thức nuôi trâu “gối”, mỗi năm anh nuôi vỗ béo 3 - 4 lứa trâu thịt, mỗi lứa từ 2 - 4 con. Đến nay, gia đình Tráng A Thăng trở thành một hộ kinh tế khá trong thôn. Được biết, xã An Bình có tới 32 hộ chăn nuôi trâu bò vỗ béo, theo mô hình nuôi nhốt. Con trâu đang trở thành “đầu cơ nghiệp” trong xoá nghèo, xây dựng NTM của nông dân xã An Bình.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác