Đưa tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo đô thị
Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng của NHCSXH TP Hồ Chí Minh đã tích cực tham mưu Giám đốc trình Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan từ thành phố đến quận, huyện thường xuyên quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, cuối tháng 10/2019, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng đã tham mưu Giám đốc trình Ban Thường vụ Thành ủy chủ trì tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Đây là Hội nghị quan trọng, nhấn mạnh vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong các giải pháp thực hiện giảm nghèo, tạo việc làm và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Để cụ thể hóa những nội dung chỉ đạo tại Hội nghị, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng đã tham mưu Giám đốc trình UBND thành phố ban hành văn bản số 5419/UBND-VX ngày 27/12/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ đó, Chỉ thị số 40-CT/TW thực sự đi vào cuộc sống và tạo nên tác động mạnh mẽ đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, thành phố và các quận, huyện đã tích cực bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đến ngày 31/5/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH TP Hồ Chí Minh đạt 5.094 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 2.961 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 58% tổng nguồn vốn, tăng 2.522 tỷ đồng so với cuối năm 2014 (thời điểm mới ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW).
Đặc biệt, riêng trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, nguồn vốn ủy thác tại địa phương tăng 1.464 tỷ đồng. Đồng thời, phấn đấu mục tiêu đưa nguồn vốn ủy thác của thành phố qua NHCSXH đạt 5.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với các chính sách an sinh xã hội của thành phố, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng NHCSXH thành phố đã tích cực tham mưu trong việc tạo lập, khai thác tối đa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đã giúp cho gần 346.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để đầu tư SXKD, kịp thời khắc phục thiệt hại sau đại dịch Covid-19.
Đồng thời, góp phần giúp cho gần 80.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 155.000 lao động; hỗ trợ gần 5.300 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn; giúp trên 19.300 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; cải tạo và xây dựng mới gần 179.000 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn 5 huyện ngoại thành của thành phố; hỗ trợ cho 126 lượt người sống chung với HIV, người sau cai nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng có vốn làm ăn, khởi nghiệp… Qua đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 về đích sớm hai năm.
Phó Giám đốc NHCSXH TP Hồ Chí Minh Bùi Văn Sổn cho biết: Với những thành tích đạt được, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng nhiều năm liền nhận được Giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH và Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là đơn vị được Tổng Giám đốc NHCSXH tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020 tại Hội nghị điển hình tiên tiến NHCSXH giai đoạn 2015 - 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Quyết định 07/2019/QĐ-UBND TP Hồ Chí Minh, áp dụng cho giai đoạn 2019 - 2020 chuẩn nghèo xét theo tiêu chí thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống; Chuẩn cận nghèo có thu nhập từ trên 28 - 36 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, chuẩn nghèo quốc gia theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 xét theo tiêu chí thu nhập: chuẩn nghèo ở nông thôn có thu nhập 700.000 đồng/người/tháng, khu vực đô thị 900.000 đồng/người/tháng; chuẩn cận nghèo ở nông thôn có thu nhập 1.000.000 đồng/người/tháng, khu vực đô thị 1.300.000 đồng/người/tháng. |
Bài và ảnh Hải Nam
Các tin bài khác
- » Người Tổ trưởng tận tâm với công việc
- » Những nỗ lực giảm nghèo ở Lâm Bình
- » Người nghèo vùng biên thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ
- » NHCSXH TP Đà Nẵng kiên trì, năng động giúp dân giảm nghèo
- » Tổng kết khóa đào tạo tiểu giáo viên trực tuyến lần thứ 3 năm 2020
- » Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tận tâm với công việc
- » Nghiệm thu đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH”
- » Giúp người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo
- » Chính sách tín dụng ưu đãi giúp người nghèo tự tin hòa nhập
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi