Tín dụng chính sách bao phủ 100% các ấp, phường ở thành phố Hồ Chí Minh

17/07/2020
(VBSP News) Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt, mang lại hiệu quả thiết thực, là công cụ quan trọng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng NTM.
hcm

Thực hiện Chỉ thị số 40, thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo mỗi quận, huyện trích 3 tỷ đồng/năm ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo trên địa bàn

Tín dụng chính sách củng cố lòng tin nhân dân với Đảng
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan từ thành phố đến quận, huyện thường xuyên quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội và tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực để triển khai Chỉ thị số 40 trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư và Ban Thường vụ Thành ủy, đề ra các giải pháp và phân công trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tổ chức thực hiện. Đồng thời, 24/24 quận - huyện ủy, UBND quận, huyện nhanh chóng thực hiện kế hoạch của thành phố
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, thực hiện tốt mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò rất quan trọng, là một trong các giải pháp cơ bản trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng NTM các huyện ngoại thành của thành phố. Trong Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2019, Thành ủy thành phố tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.
Từ đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố.
Mỗi năm dành 1.000 tỷ đồng để cho người nghèo vay
Tính đến ngày 30/6/2020, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH thành phố Hồ Chí Minh đạt 5.442 tỷ đồng, tăng 3.204 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 143,2% so với thời điểm từ khi có Chỉ thị số 40. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách và các quỹ của thành phố đã ủy thác sang NHCSXH thành phố đạt 2.966 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần từ khi thực hiện Chỉ thị số 40. Tổng dư nợ các chương tín dụng chính sách xã hội đạt 5.423 tỷ đồng, tăng 3.199 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 143,8% so với thời điểm từ khi có Chỉ thị, với 170.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải đến 100% các khu phố, ấp trên địa bàn thành phố. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác đều có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn chính sách một cách an toàn, thuận lợi và kịp thời. Nếu tính từ cuối năm 2014 đến 30/6/2020, NHCSXH thành phố đã giải ngân cho 335.632 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với doanh số cho vay đạt 8.975 tỷ đồng và doanh số thu nợ đạt 5.441 tỷ đồng.
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách ở thành phố Hồ Chí Minh cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. Đến ngày 30/6/2020, tổng nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,66% tổng dư nợ. Các phường, xã, thị trấn trên địa bàn luôn quan tâm, tạo điều kiện bố trí nơi giao dịch thuận tiện, an toàn cho ngày giao dịch cố định hàng tháng của NHCSXH tại trụ sở chính quyền cơ sở, kể cả những ngày nghỉ, lễ.
Qua đó, góp phần đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 về đích sớm 2 năm; đồng thời, cải thiện đời sống cho người nghèo và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường, đặc biệt là góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong xã hội đối với người nghèo của thành phố.
Thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM ở ngoại thành, bảo đảm an sinh xã hội trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 40 và thực hiện các chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh về tín dụng chính sách xã hội trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.
Được biết, thành phố Hồ Chí Minh hiện đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu bổ sung nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi gắn với Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ngân sách thành phố bình quân mỗi năm bố trí gần 1.000 tỷ đồng để ủy thác qua NHCSXH thành phố thực hiện cho vay giải quyết việc làm, cho vay chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố.
Ngoài ra, UBND thành phố đã chỉ đạo mỗi quận, huyện bố trí tối thiểu 3 tỷ đồng/năm để ủy thác qua NHCSXH để thực hiện chương trình cho vay ưu đãi tại địa phương. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, NHCSXH thành phố và các quận, huyện sẽ có đủ nguồn lực để chủ động chăm lo, hỗ trợ đầy đủ cho người nghèo và các đối tượng chính sách của thành phố có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo được thật sự bền vững.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, tín dụng chính sách đã giúp cho gần 336.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để đầu tư SXKD. Góp phần giúp gần 90.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo các giai đoạn. Giải quyết việc làm cho gần 173.800 lao động, hỗ trợ gần 5.280 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn. Giúp trên 18.800 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập. Cải tạo và xây dựng mới gần 177.200 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn 5 huyện ngoại thành, hỗ trợ cho 206 hộ gia đình được vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở. Hỗ trợ cho 129 lượt người sống chung với HIV, người sau cai nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng có vốn làm ăn, khởi nghiệp.

Bài và ảnh Sơn Sổn

Các tin bài khác