Từ Anh hùng trong lòng dân đến Anh hùng trong lao động

15/02/2021
(VBSP News) Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng những người nghèo, người yếu thế lại có cùng điểm chung: Nỗ lực vươn lên bằng những đồng vốn vay ưu đãi của Chính phủ và trở thành những người truyền cảm hứng cho cộng đồng trong công cuộc giảm nghèo của đất nước. Với họ, dù chỉ là khoản vay 2 triệu đồng nhưng cũng đủ sức công phá và xoay chuyển cuộc đời cho cả một gia đình, một thế hệ.
2a-Tu-anh-hung

Tín dụng chính sách giúp người nghèo ổn định cuộc sống

“Người hùng” của dân nghèo

“Có lẽ, cả cuộc đời này tôi không thể trả hết ân huệ cho Đảng, Chính phủ và những cán bộ Ngân hàng người nghèo - tiền thân của NHCSXH ngày nay”, ông Huỳnh Văn Bé hay còn được biết dưới biệt danh ông “Ba Muối sấy” ở khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình. Từng là triệu phú nuôi chim cút từ những năm cuối thập niên 1990 nhưng dịch bệnh đã giết chết đàn chim, mang theo cả toàn bộ vốn liếng mà vợ chồng ông Bé đã chắt chiu sau bao năm làm ruộng, chăn nuôi vịt. Trắng tay! Vợ đi bán cháo, hai đứa con đầu phải nghỉ học đi làm thêm phụ giúp ba mẹ chút tiền mọn đắp đổi qua ngày. Bản thân bôn ba đủ nghề, đến năm 2003, ông Bé mới trụ lại với nghề trộn muối ớt do người bà con ở Tây Ninh truyền cho và bắt đầu khởi nghiệp với 2 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo của NHCSXH.

Nay, sau gần 20 năm gây dựng sự nghiệp, ông Bé đã trở thành một doanh nhân thành đạt, có trong tay thương hiệu “Muối sấy Ngọc Yến” không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn theo chân bà con Việt kiều rong ruổi khắp trời Tây. Cơ sở muối sấy của ông Bé, từ lúc chỉ sản xuất 3kg muối đến hàng tấn muối mỗi ngày vẫn giữ nguyên một triết lý: “Mình có, sẽ giúp đời, giúp người cũng có như mình”! Và, quả thật, ông Ba muối sấy đã thực hiện được ước nguyện ấy ngay từ khi khởi nghiệp thành công.

Ban đầu là nhận người nghèo vào làm việc, sau khấm khá thì bắt đầu phát gạo hàng tháng cho người nghèo già cả, cô đơn, khá nữa thì góp tiền xây cầu cho bà con trong Khóm và bây giờ thì dấu chân thiện nguyện của ông Ba Muối sấy đã in dấu khắp nơi trên vùng đất Tây Nam bộ. Những người dân nghèo vùng sông nước miền Tây vẫn trìu mến gọi ông với cái tên ông Ba Muối sấy hoặc “Người hùng của dân nghèo” nhưng ông Bé bảo: “Tôi mãi chỉ là Ba Bé thôi, Người hùng thực sự là họ đấy!”. Nói rồi, ông Bé chỉ tay vào các cán bộ tín dụng chính sách huyện Thanh Bình!

Giàng A Chống - một tấm gương điển hình về học tập của núi rừng Yên Bái - người đã từng phủ sóng khắp các bản tin giảm nghèo từ Trung ương đến địa phương chừng 6 - 7 năm về trước cũng “yêu” NHCSXH đến nỗi, nhất nhất phải xin vào làm bằng được trong hệ thống.

Bởi với Giàng A Chống, được học tập và đào tạo cơ bản, được thoát khỏi cảnh đói nghèo, sống nay đây, mai đó bằng sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng HSSV và những cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Trạm Tấu là một điều quá lớn lao với anh. Và, là người trong cuộc nên Giàng A Chống hiểu được giá trị của những đồng vốn chính sách quan trọng thế nào đối với những thanh niên DTTS. Chính vì thế, khi về đầu quân cho NHCSXH huyện Trạm Tấu, Giàng A Chống đã cống hiến hết mình, cùng với đồng nghiệp đưa dư nợ từ 5,6 tỷ đồng, với 1.000 hộ vay, chiếm tỷ lệ 27% trên tổng số hộ toàn huyện; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 7,2%, lãi tồn đọng lớn… đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Trạm Tấu đạt trên 100 tỷ đồng, tăng 17 lần so với khi mới thành lập (2004) với 4.350 hộ dư nợ, chiếm hơn 80% số hộ trên địa bàn; nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,2% tổng dư nợ. Vốn tín dụng đã phủ khắp các thôn bản, góp phần vào xóa đói giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân từ 4% - 5%/năm và tỷ lệ học sinh học hết cấp III tiếp tục theo học chuyên nghiệp đã tăng lên rõ rệt.

Một câu chuyện khác về niềm tin yêu mà người dân Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh dành cho các cán bộ NHCSXH cũng luôn được nguyên Phó Thủ tướng, nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhắc tới. Đó là năm 2016, khi thảm họa môi trường FOMOSA xảy ra, cũng là lúc cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 cận kề; trong lúc cùng quẫn vì mất biển, mất kế sinh nhai, người dân Kỳ Anh định từ bỏ quyền bầu cử của mình. Tuy nhiên, họ đã không làm vậy vì bị khuất phục bởi các “tuyên truyền viên” của NHCSXH. Nói như đồng chí Vương Đình Huệ thì NHCSXH không chỉ bảo đảm ổn định sinh kế của người dân, huy động tốt các nguồn lực đáp ứng cơ bản yêu cầu của người nghèo… mà đây còn là cầu nối giữa dân với chính quyền và với Đảng!

Anh hùng lao động của thời kỳ đổi mới

2. Tu Anh hung trong long dan den anh hung trong lao dong

Từ 2 triệu đồng vốn vay ưu đãi ban đầu, nay đã giúp ông Huỳnh Văn Bé (thứ hai từ trái qua) khởi nghiệp thành công

Gần 20 năm hoạt động, các chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện đã giúp hàng triệu hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo; trong đó, có biết bao điển hình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trưởng thành từ nguồn vốn ưu đãi nhân văn. Ông Ba Muối sấy, Giàng A Chống là những bằng chứng sống cho thấy sức mạnh của nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động mạnh mẽ thế nào đến cuộc đời của người nghèo. Và chắc chắn, không chỉ những người trong cuộc, những người trực tiếp thụ hưởng và thụ hưởng thành công nguồn vốn ưu đãi đó mới cảm nhận đầy đủ giá trị mà nguồn vốn cũng như những giá trị tinh thần, sự khích lệ, động viên mà cán bộ NHCSXH mang lại cho người nghèo.

Cùng với sự gia tăng các tấm gương thoát nghèo, làm kinh tế điển hình tốc độ và quy mô tăng trưởng nguồn vốn chính sách cũng bứt phá ngoạn mục. Giai đoạn 2011 -2020, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn đạt bình quân 10%/năm, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 233.426 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt bình quân khoảng 10%/năm; quy mô tổng dư nợ các chương trình tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.197 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước với hơn 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, doanh số cho vay lên tới 504.565 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), xuống dưới 3% (năm 2020).

Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai hiệu quả hơn từ năm 2014 với việc NHCSXH cùng các tổ chức này ký kết lại đã gắn kết chặt chẽ bốn nhà là “Ngân hàng; Chính quyền; Tổ chức chính trị - xã hội; Tổ tiết kiệm và vay vốn”. Cùng với gần 173 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, 10.426 Điểm giao dịch xã hoạt động định kỳ phủ rộng ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc đã giúp NHCSXH thực hiện hiệu quả phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.

Có thể thấy, trong bối cảnh đất nước đang phát triển, còn rất nhiều việc phải làm nhưng Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người nghèo, người yếu thế và các gia đình chính sách. Lĩnh hội sâu sắc sứ mệnh lịch sử của mình, NHCSXH đã trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong công cuộc giảm nghèo; là chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần và vật chất cho những người yếu thế; là mô hình hoạt động tín dụng vi mô hiệu quả cho bạn bè khu vực và thế giới học tập… Với những kết quả mà gần 10 nghìn cán bộ, nhân viên, người lao động trong hệ thống mang lại, NHCSXH xứng đáng là một tập thể Anh hùng: “Anh hùng trong lòng dân và Anh hùng trong lao động”!

Bài và ảnh Thái Vũ

Các tin bài khác