“Người dẫn đường từ phía sau…!”
“Đầu tàu đặc biệt”
Trong hành trình của “Người dẫn đường từ phía sau”, chúng tôi nhiều lần chứng kiến những khoảnh khắc “ngàn cân treo sợi tóc” mà các cán bộ tín dụng chính sách gặp phải. Đó là khi họ vượt lũ; khi đôi bàn chân phải leo bộ hàng chục kilomet đường núi hay đội nắng đến từng ngõ, gõ từng nhà… mang vốn, mang cả kinh nghiệm “sinh lời” cùng sự động viên khích lệ đến với người nghèo, với đồng bào Cống, Mảng, La Hủ, Ê Đê, Khmer ở nơi thâm sơn cùng cốc. Trong hành trình ấy, chắc chắn không thể thiếu “đầu tàu đặc biệt” - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng.
33 năm gắn bó với ngành Ngân hàng, trong đó, có gần 10 năm giữ cương vị là Ủy viên HĐQT NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và gần 10 nghìn cộng sự đã thực hiện, hoàn thiện hệ thống mạng lưới Điểm giao dịch tới tận xã. Lôi cuốn cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tham gia vào công cuộc lan tỏa các chính sách tín dụng ưu đãi đến tận tay người nghèo và các đối tượng yếu thế. Nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc thù và riêng có của NHCSXH đã được nảy sinh trong hành trình dẫn vốn đến người nghèo.
Với vị trí của mình, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Nhờ đó, sau 5 năm thực hiện, đến nay đã có 20.315 tỷ đồng vốn từ nguồn ngân sách các địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách và hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện để chi nhánh NHCSXH tại địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao.
Đặc biệt, khi người nghèo và các đối tượng chính sách khác bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hay rủi ro, người đứng đầu NHCSXH đã kịp thời trực tiếp chỉ đạo, thành lập ngay các đoàn công tác xuống tận địa bàn cơ sở để nắm tình hình cũng như chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay việc tổng hợp thiệt hại, phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời xử lý rủi ro cho bà con trong thẩm quyền của mình. Không những vậy còn bố trí vốn cho bà con để yên tâm sản xuất, tái đầu tư. Nhờ đó, người dân luôn tin tưởng, coi cán bộ NHCSXH như những người thân yêu của mình. Đơn cử như các đợt mưa lũ ở miền Trung, đại dịch Covid-19… đều khẳng định vai trò của NHCSXH là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong thực hiện bảo đảm an sinh xã hội.
Lấy hạnh phúc của người nghèo làm thước đo
Chính sự tận tâm, tận lực của người đứng đầu hệ thống NHCSXH đã lan tỏa đến tất cả các cán bộ và người lao động trong toàn hệ thống. Để từ đó mỗi người, ở bất cứ vị trí công tác nào đều tự giác và hết mình cho nhiệm vụ được giao. Với họ, niềm vui thực sự chỉ đến khi danh sách hộ nghèo ngày một ngắn đi. Hay nói cách khác, hạnh phúc của người nghèo là thước đo hiệu quả công việc giá trị nhất của những người làm tín dụng chính sách xã hội.
Chính vì nhận thức được chân giá trị công việc mình đang làm, nên dù vất vả, dù nhọc nhằn nhưng rất hiếm cán bộ NHCSXH nào rời bỏ mái nhà chung của người nghèo - NHCSXH. Trong báo cáo tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020, Lãnh đạo NHCSXH chia sẻ, bên cạnh việc thực hiện tốt các phong trào thi đua của Nhà nước, NHNN phát động như phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… NHCSXH còn phát động nhiều phong trào thi đua thường xuyên, thi đua chuyên đề tập trung vào những lĩnh vực chuyên môn có tính thời sự, tính mới và khó khăn, phức tạp trong thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhờ vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020 có 197 tập thể, 1.036 cá nhân điển hình tiên tiến được Tổng Giám đốc NHCSXH tặng Giấy khen. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước, NHNN ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”; danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”; Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân; danh hiệu “Cờ thi đua của NHNN”; danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Ngân hàng”; Bằng khen của Thống đốc NHNN cho các tập thể, cá nhân… Quan trọng hơn, gắn với những phần thưởng danh dự ấy là hàng loạt các sáng kiến, cách làm hay của các cán bộ NHCSXH. Các sáng kiến, cách làm đó không chỉ làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng mà còn giúp người nghèo được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi nhân văn của Đảng, Nhà nước một cách đầy đủ, hiệu quả nhất.
Các tin bài khác
- » Bình Thuận đồng hành cùng người nghèo trên hành trình phát triển
- » Bứt phá trong giảm nghèo nơi địa đầu Tổ quốc
- » Bước chuyển mạnh trong nỗ lực giảm nghèo ở Hà Nội
- » Bài cuối: Công cụ cho chính quyền – động lực cho người nghèo
- » Bài 3: “Chìa khóa” giảm tỷ lệ tái nghèo
- » Bài 2: Ấn tượng nhưng chưa bền vững
- » Bài 1: Giảm nghèo - Chuyện của Việt Nam và bài học của thế giới
- » Xuân ấm xứ Nghệ
- » Xuân về trên vùng núi cao Yên Bái
- » Trái ngọt mùa xuân từ nguồn vốn chính sách