“Gieo” vốn trên núi

16/02/2021
(VBSP News) Từ những đồng vốn tín dụng chính sách được cần mẫn “gieo” trên vùng núi đá Si Ma Cai (Lào Cai) đã bật mầm khát vọng thoát nghèo và vươn lên làm giàu của đồng các DTTS trên chính mảnh đất quê hương.
3. “Gieo” von trên núi đá

Ông Lồ A Sếnh vay vốn chính sách đầu tư chăn nuôi

Tôi về Sín Chéng khi bà con nơi đây vừa thu hoạch xong vụ lúa mùa. Bận rộn quanh năm, giờ mới có lúc nông nhàn để bà con xuống chợ mua sắm thêm những vật dụng trong gia đình. Phiên chợ tan, ông Lồ A Sếnh đi nhanh về nhà để cắt cỏ voi cho trâu ăn. Chẳng là, gia đình ông Sếnh vừa vay thêm 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Si Ma Cai, theo Nghị quyết số 22/NQ-TU của Tỉnh ủy để mua thêm một cặp trâu giống về chăn thả, đồng thời mua trâu gầy về vỗ béo…

Từng là hộ nghèo ở thôn Ngải Phóng Chồ, trước đây gia đình ông Sếnh cũng đã vay vốn NHCSXH để mua trâu giống về nuôi lấy sức kéo và nguồn phân bón phục vụ trồng trọt. Cách đây 2 năm, nhờ chăm chỉ làm kinh tế, gia đình ông Sếnh đã thoát nghèo… Năm 2019, từ tiền bán trâu được hơn 50 triệu đồng, ông lại quay vòng mua thêm trâu về nuôi. Cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình ông đã phát triển chăn nuôi trâu và lợn đen bản địa. Hiện, gia đình có 4 con trâu, 10 con lợn, mỗi năm bán một lứa, được khoảng 6 tạ. Mỗi dịp chợ phiên, ông Sếnh xuống chợ tìm mua trâu gầy về chăm sóc, vỗ béo, được giá lại bán. Cứ thế, tháng nào gia đình cũng thu lãi từ vỗ béo trâu, trung bình khoảng 3 triệu đồng/con. Hiện, mỗi năm, gia đình ông Sếnh thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng nhờ chăn nuôi.

Không chỉ phát triển chăn nuôi, hàng năm gia đình ông Sếnh còn trồng 15kg ngô giống và 5kg lúa giống để phục vụ lương thực cho gia đình cũng như chăn nuôi. Ông Lồ A Sếnh tâm sự: “Nhờ nguồn vốn vay chính sách, gia đình tôi đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi trâu sinh sản và vỗ béo trâu, cho nguồn thu nhập khá. Không như trước đây, gia đình chỉ trông chờ vào cấy lúa, trồng ngô, thời tiết vùng núi Si Ma Cai khắc nghiệt, cũng có vụ không được thu hoạch, nên cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn, vất vả, làm quần quật mà cũng chỉ tạm đủ ăn…”.

Nguồn vốn vay chính sách đã trao cơ hội cho nhiều nông dân “cao nguyên đá” Si Ma Cai có thêm nguồn lực, tự tin vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ông Ly A Sếnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sín Chéng cho biết: “Hiện, chúng tôi đang nhận ủy thác vốn vay của NHCSXH với dư nợ trên 7,2 tỷ đồng, thông qua 4 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 275 hộ vay vốn. Đa số hộ vay vốn chủ yếu dùng để chăn nuôi trâu, ngựa bạch, lợn đen bản địa… Nhiều hộ nông dân nhờ biết phát huy hiệu quả của vốn vay, đã thoát nghèo và có tích luỹ”.

Minh chứng sinh động ấy đã khẳng định nỗ lực của đội ngũ cán bộ NHCSXH huyện Si Ma Cai trong công tác giải ngân, quản lý và tuyên truyền người dân thực hiện hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Ông Dương Đức Hạnh - Giám đốc NHCSXH huyện Si Ma Cai tâm sự: Bà con vùng cao Si Ma Cai vẫn còn nhiều hộ nghèo, hầu hết là đồng bào DTTS, việc tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế còn không ít hạn chế. Do đó, NHCSXH huyện đã tăng cường nhân lực, trong đó ưu tiên tuyển dụng người địa phương đã qua đào tạo, không chỉ làm nghiệp vụ ngân hàng, mà còn trở thành những cán bộ tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền cho bà con cách sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.

NHCSXH huyện Si Ma Cai hiện có 7 cán bộ, thì có 2 cán bộ trẻ là người địa phương. Điều này cũng rất thuận lợi trong công tác tuyên truyền thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn huyện. Bởi, những cán bộ người địa phương dân tộc Mông mới tuyển dụng vào làm việc có lợi thế thông thạo địa bàn, am hiểu tập quán của cộng đồng…

Không chỉ làm tốt giải ngân nguồn vốn vay cho bà con, anh Ly A Mìn, cán bộ NHCSXH huyện Si Ma Cai còn kiêm nhiệm vụ “phiên dịch” tiếng Mông ở những phiên giao dịch tại xã, giải thích thấu đáo cho bà con hiểu ý nghĩa của vốn vay, sử dụng sao cho hiệu quả, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Ly A Mìn tâm sự: “Mỗi lần tham gia giao dịch tại xã, mình tận tình giải thích bằng tiếng dân tộc để bà con hiểu rõ thủ tục vay vốn, hướng dẫn cách trả lãi, trả nợ gốc. Nhờ đó, công việc được giải quyết nhanh chóng và thuận lợi hơn”.

Những năm qua, làm nhiệm vụ đưa đồng vốn chính sách đến với các hộ nghèo, đồng bào DTTS trên địa bàn, những người “gieo” tiền trên “cao nguyên đá” Si Ma Cai luôn nỗ lực bám bản, bám dân, “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Với đặc thù là huyện 30a, có 95% dân số là đồng bào DTTS, nên mọi hoạt động của NHCSXH huyện Si Ma Cai đều tập trung vào người nghèo, người DTTS. Đến nay, vốn tín dụng chính sách đã được triển khai tại 13/13 xã, thị trấn; 59/59 thôn, bản, với 133 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện Si Ma Cai đạt trên 250 tỷ đồng với 1.372 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, thông qua các chương trình cho vay như: giải quyết việc làm; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

Khẳng định những kết quả quan trọng của nguồn lực tín dụng chính sách đem lại cho đồng bào DTTS vùng cao Si Ma Cai, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai Hoàng Văn Dương chia sẻ: Tín dụng chính sách hoạt động chịu nhiều tác động tiêu cực của các yếu tố khách quan, tuy nhiên bằng các giải pháp kịp thời, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Cùng với các nguồn vốn tín dụng khác trên địa bàn, vốn vay từ NHCSXH cũng là một kênh tín dụng quan trọng, nhất là đối với huyện nghèo Si Ma Cai, trao cơ hội cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.

Bài và ảnh Lê Thắng

Các tin bài khác