Chuyển động mới trên cao nguyên Đam Rông

23/03/2020
(VBSP News) Huyện Đam Rông (Lâm Đồng) là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 8 xã, 56 thôn (trong đó còn 02 xã khu vực III, 06 xã khu vực II và 35 thôn thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn). Dân số 12.143 hộ với 51.165 khẩu, chủ yếu là đồng bào DTTS với 8.807 hộ với 38.099 nhân khẩu chiếm 74,46%.
Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Đam Rông đã tạo động lực giúp cho đồng bào DTTS vươn lên trong sản xuất

Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Đam Rông đã tạo động lực giúp cho đồng bào DTTS vươn lên trong sản xuất

Trước khi có Nghị quyết 30a, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện khó khăn: cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 73,19%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm, trình độ dân trí và trình độ canh tác lạc hậu; trong khi đó đội ngũ cán bộ về đảm nhận công tác giảm nghèo được tập hợp từ nhiều nguồn, vừa thiếu, vừa chưa am hiểu hết tình hình thực tế tại địa phương.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng ở huyện Đam Rông là công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo giảm nghèo từ huyện đến cơ sở vào việc tập trung huy động các nguồn lực, các chương trình, dự án để đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS vượt khó phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống. Tính riêng tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện trong năm 2019 đạt hơn 60 tỷ đồng, nâng tổng số vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở huyện Đam Rông đạt gần 400 tỷ đồng với gần 10 nghìn khách hàng còn dư nợ
Nhờ các nguồn vốn ưu đãi được tập trung vào một đầu mối là NHCSXH và sự đổi mới phương thức tín dụng công khai, dân chủ thông qua hệ thống Điểm giao dịch xã cùng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở làng xóm, nên người nghèo và đồng bào DTTS khắp miền đất Nam Tây Nguyên rộng lớn được tiếp cận nhiều hơn, kịp thời hơn, thuận lợi hơn các chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước.
Với nguồn vốn ưu đãi đầu tư nói trên, huyện Đam Rông đã chủ động triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo như hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, thông qua việc giao đất trồng rừng và giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, trồng rừng được 3.658 ha/2.635 hộ; giao khoán quản lý bảo vệ rừng được 38.555.28ha/2.640 hộ; khai hoang 60ha/65 hộ/500 triệu đồng, phục hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp 250ha/539 hộ/700 triệu đồng, góp phần duy trì độ che phủ của rừng đạt 63,9%. Đặc biệt đã nâng cao được tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất, trong làm ăn phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, tổ chức nhân rộng 108 mô hình giảm nghèo, đáng kể đến 2 mô hình cánh đồng lúa mẫu tại xã Đạ M’Rông, 2 mô hình trồng nấm mèo, 30 hộ trồng bưởi da xanh, 47 mô hình trồng dâu nuôi tằm, 27 mô hình nuôi dê bách thảo cho 321 hộ. Các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao và hiện đang được nhân rộng để người dân học tập và ứng dụng rộng rãi. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với kinh phí là 67.670 triệu đồng cho 41.349 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm tạo điều kiện về nguồn lực tốt để phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt, đồng vốn ưu đãi góp phần quan trọng giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo đúng mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 12,17%. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2015 - 2020, bình quân giảm 3,34%/năm. Hầu hết hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đã chuyển biến nhận thức trong sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả, lồng ghép với áp dụng KHKT vào sản xuất, xóa dần tư tưởng trông chờ ỷ lại, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Chị Mai Thị Hường ở thôn Hương Liên, xã Đa Rsai, huyện Đam Rông là diện hộ nghèo đã được vay vốn ưu đãi từ cuối năm 2008 để khai hoang mở đất trồng cà phê. Sau 5 năm chăm chỉ làm ăn, chị đã hoàn trả toàn bộ số nợ cũ, rồi được NHCSXH huyện cho vay tiếp 50 triệu đồng cải tạo chăm sóc 200 cây cà phê giống Catimon. Vụ cà phê năm ngoái, gia đình chị Hường thu hoạch được 3 tấn hạt cà phê loại 1, bán được giá cao. Tiền bán cà phê, chị lại trồng thêm 2.500m2 dâu để nuôi tằm. Niềm vui lại tiếp tục được nhân lên khi 2 người con của chị cũng nhờ có nguồn vốn vay của chương trình tín dụng HSSV nên đã thực hiện được ước mơ đến trường đại học và đến nay có việc làm ổn định. Ước mơ thoát khỏi danh sách hộ nghèo ngày nào của chị Hường giờ đã thành sự thật. Ngôi nhà dột nát năm xưa cũng được sửa chữa lại khang trang hơn.
Còn gia đình ông Kon Sơ Ha Tuấn ở thôn 4, xã Đạ Long cũng nằm trong diện hộ nghèo, nhưng nhờ đồng vốn ưu đãi đã mua 1 cặp bò sinh sản về nuôi. Nhờ chăm sóc chu đáo, nên đều đặn mỗi năm, cặp bò cái đã sinh thêm 1 cặp bê khỏe mạnh. Từ số tiền bán bê, ông Tuấn đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn cà phêm, ruộng lúa nước. Đến nay, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Hiện, cơ ngơi của ông 2ha cà phê đã cho thu hoạch, 2 mẫu lúa nước, bắp lai và đàn bò 5 con, đạt mức thu nhập lên đến 150 triệu đồng/năm.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông Ngô Xuân Diện cho biết: Trong hoạt động tạo vốn vay, Hôi Nông dân đã ký kết liên tịch với NHCSXH cho 44 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.117 thành viên vay với số tiền ủy thác trên 75 tỷ đồng, đồng thời huy động gửi tiết kiệm qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn là gần 2 tỷ đồng.
Thông qua thực hiện ủy thác, một số hộ vay vốn đầu tư xây dựng mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế như: mô hình trồng rau sạch 40ha, trong đó 10ha nhà kính ở Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Đạ Rsal; mô hình chanh không hạt ở xã Liêng Sroonh; mô hình VAC, nuôi bò, heo rừng, hươu sao, cam sành, sầu riêng, bưởi của ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Đạ Rsal thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm; mô hình cà phê, trồng dâu nuôi tằm ở Đạ K’Nàng, Đạ M’Rông, Liêng Sroonh; chuối La Ba 100ha tại Đạ K’Nàng.
Nhờ đó, nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn kết hợp sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Để từ đó, xuất hiện những mô hình và những tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng để phát triển những mô hình sản xuất có hiệu quả; trở thành những hộ SXKD giỏi.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điểm tựa giúp cho hộ đồng bào DTTS vươn lên trong sản xuất và đời sống, hạn chế tín dụng đen; giảm bớt tình trạng cho vay nặng lãi, bán non sản phẩm nông nghiệp; giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, hướng đầu tư, biết tính toán lợi ích kinh tế mà đồng vốn mang lại.
Rõ ràng, tác dụng lớn lao của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo sự chuyển động tích cực về kinh tế - xã hội trên miền đất Nam Tây Nguyên, nhưng Đam Rông vẫn chưa thoát nghèo. Do vậy, Huyện ủy và UBND huyện chủ trương trong thời gian tới đẩy mạnh kiện toàn các Ban chỉ đạo giảm nghèo từ huyện tới cơ sở, đưa tiêu chí giảm nghèo vào bình xét thi đua hàng năm; đẩy mạnh công tác khuyến nông - khuyến lâm và nêu gương các hộ nông dân sản xuất giỏi; triển khai có kết quả các chương trình mục tiêu gắn với tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, mở rộng ngành nghề nông thôn kết hợp với chống tài nghèo.
Để tham gia trực tiếp thực hiện chủ trương của địa phương, NHCSXH huyện Đam Rông tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể rà soát nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân, giải ngân kịp thời, thuận tiện các chương trình tín dụng ưu đãi, phấn đấu tăng trưởng dư nợ, nâng mức cho vay giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm; đặc biệt đổi mới phương thức cho vay, tạo điều kiện thuận tiện nhất giúp hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có vốn ưu đãi kịp thời để chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bằng chính sức lao động ngay trên miền đất 30a Đam Rông.

Đông Dư

Các tin bài khác