Vĩnh Phúc khơi thông nguồn vốn vay cho người nghèo
Năm 2020 đã có 25.575 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó có 940 lượt hộ nghèo, 2.031 lượt hộ cận nghèo, 2.942 lượt hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 6.700 lao động, vay vốn cải tạo xây dựng 11.975 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn, 104 hộ vay vốn nhà ở xã hội, 490 lượt hộ vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…
Doanh số cho vay hộ nghèo đạt gần 66 tỷ đồng, hộ cận nghèo đạt gần 139 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo đạt trên 200 tỷ đồng, cho vay hộ DTTS miền núi đạt gần 2, 9 tỷ đồng.
Nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo sự ổn định xã hội vùng nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội về việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay này, đã có nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông Lê Văn Nhượng, thôn Miêu Cốc, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc cho biết: “Năm 2019, gia đình được NHCSXH huyện Yên Lạc tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi 2 cặp bò sinh sản. Được chăm sóc tốt nên đến nay, đàn bò của gia đình luôn phát triển. Nhờ có nguồn vốn vay này mà gia đình tôi đã thoát nghèo vào cuối năm 2020”.
Ông Tạ Ngọc Thảo - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết: Để các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, năm qua, đơn vị luôn củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước đóng góp vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Để chất lượng tín dụng chính sách xã hội ngày càng nâng cao và ổn định, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác tập trung, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Chủ động phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng của các đơn vị trực thuộc, thực hiện phân tích nợ quá hạn tại các phòng giao dịch, phối hợp phân tích nợ quá hạn điểm tại một số xã và giao phòng giao dịch thực hiện phân tích nợ quá hạn 3 tháng/lần đến từng đơn vị cấp xã; cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn phải phân tích nợ quá hạn với cấp xã 1 tháng/lần.
Nắm bắt và phối hợp với chính quyền các địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức và nguyên tắc có vay có trả cho người vay vốn.
Động viên, khích lệ, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo để người nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi; nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, hoàn trả vốn vay.
Chủ động xây dựng, thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát và xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho các cấp hội, ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được quan tâm, theo dõi thông qua hình thức kiểm tra trực tiếp và giám sát từ xa. Chỉ đạo ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu bình xét, lựa chọn người vay, giám sát người vay trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc người vay trả lãi tiền vay và nợ gốc đúng thời hạn.
Thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm hàng tháng theo bảng kê và biên lai thu lãi, tích cực phối hợp đôn đốc thu nợ gốc đến hạn, lãi tồn đọng và xử lý nợ quá hạn. Tổ chức và duy trì thực hiện tốt lịch giao dịch tại 136/136 xã, phường, thị trấn. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc, hồ sơ, sổ sách, chứng từ giao dịch.
Các điểm giao dịch xã thường xuyên được kiểm tra, rà soát các điều kiện làm việc để bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện.
Hoạt động giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ; tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai, minh bạch và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội.
Năm qua, việc hỗ trợ cho người nghèo và đối tượng chính sách đang vay vốn tại NHCSXH tỉnh bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng được đơn vị triển khai kịp thời theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH. Đơn vị đã giải quyết tháo gỡ khó khăn cho 2.562 khách hàng được gia hạn nợ, với số tiền gần 87 tỷ đồng.
Bài và ảnh Thành An
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Bạc Liêu
- » Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025
- » Sửa đổi cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH
- » An Biên nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ mô hình dân vận khéo
- » Cần Thơ nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng chính sách
- » Phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi
- » Trợ lực thoát nghèo bền vững
- » Trợ giúp vốn vay, nâng cao mức sống cho người dân Thốt Nốt
- » Nông dân Tam Đảo thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Huyện Cờ Đỏ tổng lực cho giảm nghèo bền vững