An Biên nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ mô hình dân vận khéo

12/03/2021
(VBSP News) Có thể nói, mô hình dân vận khéo do NHCSXH huyện An Biên (Kiên Giang) được xây dựng hoàn thiện, thực hiện hiệu quả trong những năm qua là sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động trong đơn vị. Mô hình này nhằm hạn chế thấp nhất nợ quá hạn phát sinh, từng bước giảm dần nợ quá hạn và thu dần các món nợ được khoanh, góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
9. An Biên nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ mô hình dân vận khéo

Mỗi khi Tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình đều có cán bộ NHCSXH huyện An Biên tham dự để lắng nghe, giải quyết những vấn đề cho bà con

Trước thực trạng chất lượng tín dụng năm 2018 còn cao, với số dư 4,7 tỷ đồng, tỷ lệ 2,22% so với tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn là 2,46 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 1,14%) và nợ khoanh trên 2,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 1,08%). Nợ quá hạn và nợ bị rủi ro chủ yếu do những nguyên nhân khách quan đã được khoanh nợ từ 3 đến 5 năm để trả dần, nhưng chưa được quan tâm đúng mức để đôn đốc thu hồi dần.
Từ thực tế đó, NHCSXH huyện An Biên đã chủ động báo cáo cấp trên và bắt tay ngay việc tham mưu, xây dựng mô hình “Giảm nợ quá hạn và nợ khoanh trong thực hiện tín dụng chính sách”.
Để thực hiện mô hình, Ban Giám đốc NHCSXH huyện đã phân công cán bộ lập danh sách các món vay có nợ quá hạn và nợ được khoanh theo từng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên cùng một ấp, theo đó xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, trưởng các ấp, khu phố và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phân tích cụ thể nguyên nhân từng món vay. Giám đốc NHCSXH huyện An Biên Trần Thị Tuyết, cho biết: “Đơn vị đã phân công rõ, gắn trách nhiệm từng thành viên trong tổ chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xây dựng kế hoạch, lịch cụ thể theo từng tổ, đến từng hộ kiểm tra, xác minh cụ thể từng trường hợp và xử lý theo từng nhóm nguyên nhân. Đồng thời mời tổ viên sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn để tuyên truyền, vận động và cho hộ vay làm cam kết để trả nợ nếu hộ có điều kiện trả dần, hoặc làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý rủi ro, nếu đủ điều kiện, hoặc phối hợp với xã bạn, huyện bạn phối hợp xử lý đối với trường hợp hộ đi làm ăn xa ngoài xã, ngoài huyện… Trường hợp hộ vay không đến dự họp hoặc không có ở địa phương thì đến tận nhà hộ vay hoặc gặp thành viên trong gia đình để tuyên truyền vận động và thông qua số điện thoại đăng ký với ngân hàng…”.
Trên cơ sở các nội dung làm việc và cam kết với hộ vay, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và cán bộ tín dụng quản lý địa bàn bám sát để thu hồi hoặc xử lý bước tiếp theo cho phù hợp. NHCSXH huyện đôn đốc tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường hơn nữa trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người vay trong các kỳ sinh hoạt tổ, sinh hoạt hội viên, tuyên truyền trực tiếp đến hộ vay thông qua các đợt giải ngân, kiểm tra hoặc đối chiếu nợ của NHCSXH nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Giàu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 6, ấp Rọc Lá, xã Tây Yên A, chia sẻ: “Tổ chúng tôi có 46 tổ viên, chủ yếu vay vốn sản xuất kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Tôi thường xuyên đến thăm hỏi, động viên người dân sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, phát triển kinh tế. Nhờ vốn vay ưu đãi mà bà con trong tổ có điều kiện làm ăn, tiến bộ hơn trước, đời sống dần ổn định vươn lên, tích lũy được để trả nợ, lãi ngân hàng đúng hạn”. Là một gia đình thuộc hộ cận nghèo, không đất sản xuất, chị Sa Ro Ky Yah, ngụ ấp Rọc Lá, xã Tây Yên A, được tiếp cận vốn vay của NHCSXH, từ đó vươn lên phát triển kinh tế gia đình, chị cho biết: “Lần đầu tôi được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng về mở cửa hàng buôn bán phụ kiện, quà lưu niệm. Sau thời gian công việc phát triển tốt, tôi trả hết nợ và vay lại 50 triệu đồng để mở rộng kinh doanh qua mạng (online). Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi ổn định cuộc sống, cất lại được căn nhà kiên cố”.
Tính đến 31/12/2020, nợ quá hạn và nợ khoanh của NHCSXH huyện An Biên giảm còn 3,4 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên và bền vững, cụ thể: Nợ quá hạn chỉ còn 1,179 tỷ đồng (tỷ lệ 0,44%), giảm 1,281 tỷ đồng; nợ khoanh còn 2,141 tỷ đồng, giảm 188 triệu đồng so thời điểm xây dựng mô hình. Từ cách làm khoa học,  phân công và bám sát kế hoạch để thực hiện, đồng thời công tác tuyên truyền, vận động cũng như hướng dẫn tận tình người dân đã lan tỏa đến các hộ vay, kể cả hộ có nợ quá hạn, nợ khoanh, qua đó một bộ phận hộ vay ý thức được trách nhiệm “có vay - có trả” và trả dứt nợ hoặc tự nguyện trả dần theo từng tháng. Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã chú trọng hơn trong công tác tuyên truyền ngay từ lúc bình xét cho vay, tạo hiệu ứng tích cực trong chính quyền, đoàn thể và nhân dân về quyền lợi và trách nhiệm trong việc quản lý, bảo toàn và phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương.
Cũng theo Giám đốc Trần Thị Tuyết: “Từ khi triển khai và thực hiện mô hình Dân vận khéo của đơn vị đã tạo được sự hưởng ứng và tham gia tích cực không chỉ trong cán bộ, đảng viên, người lao động trong đơn vị mà lan tỏa ra đến chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn thi đua giảm nợ xấu, phấn đấu tổ, hội, xã không nợ quá hạn, giảm nợ khoanh, từ đó năm 2020, nợ quá hạn của đơn vị còn 0,42%, có hai xã là Tây Yên A và Nam Thái A không có nợ quá hạn và 12/36 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, trong thời gian tới, NHCSXH  huyện An Biên tiếp tục duy trì mô hình cũng như giải pháp thực hiện gắng với yêu cầu và điều kiện thực tế để tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả cao trên từng đồng vốn tín dụng chính sách, chất lượng tín dụng ổn định và bền vững.
Nhờ có được những thành tích trên, NHCSXH huyện An Biên và Giám đốc Trần Thị Tuyết vừa được UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chuyên đề Dân vận khéo của tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2016 - 2020”.

Bài và ảnh Trần Tuyết

Các tin bài khác