Huyện Cờ Đỏ tổng lực cho giảm nghèo bền vững

12/03/2021
(VBSP News) Theo UBND huyện Cờ Đỏ, thành quả giảm nghèo cuối năm 2020 là tổng hòa sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, vận dụng linh hoạt các chính sách trợ giúp giảm nghèo. Qua đó, nổi bật hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, góp phần thay đổi cơ bản đời sống hộ nghèo...
ctho

Nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi, chị Trường phát triển đàn heo và sở hữu cơ ngơi vững chắc

Thuận lợi tiếp cận vốn vay
Nằm cặp tuyến lộ nhựa thông thoáng ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của vợ chồng anh Liêu Ngọc Sương và chị Mai Thị Trường như “điểm nhấn” cho sự khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer. Chị Trường nhanh nhảu khoe, vừa bán bầy heo 11 con (mỗi con trên tạ), với giá 7 triệu đồng/tạ, trừ chi phí, lời gần 2 triệu đồng/con và đang dọn chuồng chuẩn bị nuôi bầy khác. Ngoài 10 con heo “xuất chuồng” cận Tết, chị Trường còn con heo nái và bầy heo con béo tròn. 4 tháng nay, anh Sương nuôi 2.000 cá lóc trong vèo, nặng 2,5kg/con. Ngoài làm chủ 5 công đất, anh chị mướn 25 công trồng lúa. Anh Sương trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, giảm thiểu công lao động như: lắp đặt máy bơm nước tắm heo, máng cho heo ăn tự động; máy canh tác lúa…
21 tuổi, anh Sương lập gia đình, được bên vợ cho công đất ra riêng, rồi sinh 2 con. Anh chị che tạm nhà lá và chịu khó đi làm mướn kiếm sống. Năm 2006, anh chị được tặng nhà tình thương, vay vốn ưu đãi, nuôi 1 con heo nái. Heo chóng lớn, đẻ sai, chị Trường để nuôi hết. Nhờ “mát tay”, cứ 4 tháng chị bán heo, thu lợi nhuận đáng kể. Năm 2016, anh chị được xét thoát nghèo và nỗ lực lao động, xây nhà khang trang trên 400 triệu đồng. Chị Trường nói: “Được vay 22 triệu đồng, giới thiệu mua giống, phân, thức ăn công nghiệp giá ưu đãi, áp dụng kiến thức khuyến nông trong canh tác, vợ chồng tôi còn tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, chi tiêu đúng chỗ mới có cơ ngơi này. Tôi biết ơn chính quyền, đoàn thể tiếp tục trợ giúp vốn vay để vươn lên khấm khá”.
Được hỗ trợ nhà Đại đoàn kết và thoát nghèo năm 2018 là động lực giúp chị Sơn Thị Mộng Thu, ấp Thới Trường 1 tập trung làm ăn, ổn định cuộc sống. Vợ chồng chị Thu siêng năng làm mướn, tiền công nhật 150.000 đồng/người. Lúc rảnh, anh đi bắt cá, cua kiếm thêm thu nhập. Lúc trước, chị Thu vay 30 triệu đồng và hiện nay là 50 triệu đồng để nuôi heo sinh sản. Chị Thu nuôi 1 con heo nái, heo đẻ mỗi lứa từ 5 con. Mỗi 5 tháng, chị bán heo, với giá 7 triệu đồng/con (1 tạ); trừ chi phí, lợi nhuận trên 1 triệu đồng/con. Chị Thu chia sẻ: “Tôi học hỏi thói quen chi tiêu tiết kiệm của hội viên để tích lũy vốn làm ăn, thêm tiền cất nhà khang trang và nuôi các con học hành tấn tới”. Theo chị Danh Thị Kim Hường, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốN, tổ có 45 hộ vay vốn gần 2 tỷ đồng. Tùy mô hình, mỗi hộ vay từ 30 - 50 triệu đồng để sản xuất, mua bán nhỏ và ý thức gởi tiết kiệm hằng tháng. Cuối năm 2020, tổ không còn hộ nghèo, còn 2 hộ cận nghèo.  
Chị Võ Thị Lài, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Xuân, cho biết: “Hội đang quản lý 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 534 hộ vay 20,6 tỉ đồng vốn, tỷ lệ nợ quá hạn 0,03%. Trong đó, có 110 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay 3,7 tỉ đồng để phát triển sản xuất, mua bán nhỏ. Hội xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả như: làm vườn, chăn nuôi, mua bán nhỏ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Qua rà soát cuối năm 2020, Hội còn 3 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Xã Thới Xuân có 29 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.199 hộ vay trên 50,6 tỉ đồng; 1.220 hộ tham gia gởi tiết kiệm gần 3,1 tỷ đồng.
Đồng hành cùng hộ nghèo
Theo NHCSXH huyện Cờ Đỏ, tổng dư nợ các chương trình tín dụng hiện nay đạt 383 tỉ đồng (cao nhất thành phố), trong đó 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo đạt 147 tỷ đồng, với 5.962 hộ vay vốn. Lãnh đạo huyện rất quan tâm hoạt động tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong năm, UBND huyện tiếp tục chuyển 1 tỷ đồng ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH làm nguồn vốn vay. UBND huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn làm tốt việc rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, không để hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu nhưng không tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Hằng năm, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, xã làm tốt việc kiểm tra, giám sát công tác liên tịch ủy thác. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên tuyên truyền, vận động tham gia gửi tiết kiệm hằng tháng, tạo thói quen tiết kiệm và nguồn vốn tự có, giảm nhẹ gánh nặng trả nợ gốc, nợ lãi khi đến hạn. Huyện duy trì các mô hình làm ăn, giảm nghèo hiệu quả như: đan lục bình, may công nghiệp (thị trấn Cờ Đỏ), đan dây nhựa (xã Thới Hưng, xã Thới Xuân), giúp trên 400 lao động có việc làm, thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19, dịch tả heo Châu Phi ảnh hưởng trực tiếp đời sống, kinh tế nhiều hộ dân. Đa số hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; giá đầu ra các mặt hàng không ổn định, tồn tại tình trạng “được giá mất mùa, được mùa mất giá”…
Qua rà soát, dự kiến cuối năm 2020, toàn huyện Cờ Đỏ còn 92 hộ nghèo, tỷ lệ 0,3%; 691 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,28%. Thời gian tới, huyện Cờ Đỏ tiếp tục phối hợp, lồng ghép nhiều giải pháp trợ giúp giảm nghèo, chú trọng phương pháp “3 nắm, 3 giúp” (3 nắm: hoàn cảnh, thu nhập, nhu cầu; 3 giúp: vốn, học nghề - việc làm, kinh nghiệm). Qua đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 0,2% cuối năm 2021.

Bài và ảnh Anh Phương

Các tin bài khác