Phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi

12/03/2021
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn TP Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Các mô hình vay vốn sản xuất; trong đó, có mô hình nuôi bò vỗ béo giúp nông dân có thu nhập cao...
ba vi

Vườn cây ăn quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của nông dân Trần Thị Hồng ở huyện Ba Vì

Giải ngân kịp thời vốn vay ưu đãi
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Phú Cường, huyện Ba Vì tích cực phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt công tác cho vay ủy thác nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ đó, nhiều hội viên hội nông dân trên địa bàn xã có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Điển hình như ông Nguyễn Quốc Ân ở thôn Phú Thịnh được vay 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm đã đầu tư cải tạo vườn tạp, đào ao thả cá, nuôi bò vỗ béo hiệu quả. Từ mô hình kinh tế trang trại, gia đình ông Ân thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Song song với tăng trưởng dư nợ ủy thác, việc nâng cao chất lượng tín dụng cũng được Hội Nông dân thành phố quan tâm. Đến nay có 8/18 đơn vị Hội Nông dân huyện, thị xã duy trì nhiều năm liền không có dư nợ quá hạn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường Nguyễn Hữu Quang cho biết: Hiện, Hội Nông dân xã đang nhận ủy thác của NHCSXH để 228 hội viên nông dân vay vốn với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, trong đó không có nợ quá hạn phát sinh.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, NHCSXH huyện Ba Vì đã tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức hội đoàn thể địa phương tổ chức các buổi giao dịch tại tuyến xã để giải ngân kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, công tác giao dịch của NHCSXH huyện Ba Vì được tổ chức rất nghiêm túc, đảm bảo phòng chống dịch.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì Phùng Đăng Toàn cho biết: Ngay sau khi kết thúc nghỉ Tết Nguyên đán, NHCSXH huyện đã tổ chức trực giao dịch liên tục từ ngày 17 - 25/2, mỗi ngày tổ chức bình quân từ 2 - 3 Điểm giao dịch lưu động tại UBND các xã. Tổng số tiền giải ngân đạt gần 15 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động ở nông thôn, hộ gia đình SXKD ở các xã thuộc vùng khó khăn. Từ đó giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư SXKD, tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ủy thác vốn vay hiệu quả
Nắm bắt nguyện vọng của hội viên, những năm qua, Hội Nông dân các cấp TP Hà Nội đã đẩy mạnh công tác nhận ủy thác vốn vay ưu đãi của NHCSXH tạo điều kiện cho nhiều hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đơn cử, hiện nay, Hội Nông dân huyện Thường Tín đang quản lý 73 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 80 tỷ đồng cho 2.000 hộ vay vốn; không có nợ quá hạn và là đơn vị có dư nợ ủy thác lớn thứ hai trên địa bàn huyện. Từ nguồn vốn vay ủy thác, nhiều hội viên trên địa bàn huyện Thường Tín đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề thủ công… Đồng thời, mạnh dạn đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp TP Hà Nội còn giúp đỡ hội viên về thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi. Điển hình như tại huyện Sóc Sơn, việc làm tốt công tác thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản đã mang lại nhiều cơ hội cho nông dân huyện này. Hiện có từ 70 - 80% nông sản an toàn của huyện đã có được đầu ra ổn định, thông qua hợp đồng kinh tế và liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Nhờ làm tốt 2 khâu gồm vốn cho sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản, các mô hình sản xuất chuyên canh trên địa bàn huyện có bước phát triển vững chắc, năm sau mở rộng hơn năm trước. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục coi trọng hai khâu này, nhất là vốn ưu đãi qua các nguồn và thị trường nông sản an toàn, làm đòn bẩy nâng cao đời sống nông dân từ nông nghiệp bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết: Nắm bắt kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ hội viên nông dân, năm 2020, ngoài thực hiện tốt các chương trình trọng tâm, Hội Nông dân thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, tiếp tục tạo nguồn vốn hỗ trợ nông dân qua các kênh. Theo đó, Hội Nông dân TP Hà Nội đã tăng cường phối hợp NHCSXH thực hiện công tác uỷ thác cho vay, tổng dư nợ đến nay đạt hơn 2.488 tỷ đồng cho 63.977 hộ vay vốn.

Bài và ảnh Thu Hà

Các tin bài khác