Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Bạc Liêu

28/03/2021
(VBSP News) Một trong những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2020 là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống NHCSXH. Tuy chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng được thụ hưởng.
10b

Lao động ở huyện Hồng Dân được tạo công ăn việc làm thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Một trong những chương trình tín dụng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu là chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn. Thông qua chương trình này, đã có 13.505 khách hàng được vay vốn với tổng số tiền là 356 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng dư nợ (tăng 15,1 tỷ đồng so với năm 2019). Từ đó, các hộ ở vùng khó khăn, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống có điều kiện đầu tư vốn cho phát triển SXKD. Nhiều hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cũng được tiếp cận nguồn vốn này để đầu tư mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất, đánh bắt, chế biến thủy sản… Qua đó, đã góp phần thúc đẩy kinh tế tại các vùng khó khăn, kéo gần khoảng cách kinh tế giữa khu vực nông thôn và thành thị; nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn và xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Song song với chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng dư nợ đạt 197.980 triệu đồng/7.788 khách hàng, chiếm 9,18% tổng dư nợ (tăng 41.055 triệu đồng so với năm 2019). Thực tế đã chứng minh, đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa thiết thực; nhất là đối với đối tượng lao động nghèo, không đất sản xuất. Chương trình tín dụng này đã góp phần tạo việc làm, thu nhập, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 3.000 lao động của địa phương, góp phần kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hướng đến giảm nghèo bền vững. Qua đó, nhiều mô hình hay đã phát huy được hiệu quả đầu tư như: mô hình đan đát, rèn, mộc, làm muối, sản xuất rau màu… ở các huyện: Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải và TP Bạc Liêu.

Có được kết quả này, phải ghi nhận sự tích cực của NHCSXH tỉnh khi đã chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tăng cường công tác kiểm tra để đánh giá hiệu quả vốn vay, xử lý những tồn tại trong quá trình đầu tư vốn. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang được ưu tiên đầu tư vào những ngành nghề thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, vừa góp phần tạo việc làm cho người lao động, vừa góp phần nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình.

10a

Ngư dân huyện Hòa Bình phát triển mô hình lưới lợp nhờ vào nguồn vốn cho vay SXKD vùng đặc biệt khó khăn của NHCSXH

Không ngừng nâng cao chất lượng

Không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giải quyết việc làm, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới nâng cao thông qua chương trình cho vay NS&VSMTNT. Toàn tỉnh đã có hơn 21.050 khách hàng được vay với số tiền là 215.821 triệu đồng, chiếm 10,01% tổng dư nợ (tăng 21.212 triệu đồng so với năm 2019).

10

Mô hình trồng rau màu của đồng bào Khmer ở TP Bạc Liêu từ đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh

NHCSXH tỉnh đã triển khai chương trình cho vay NS&VSMTNT đến 100% xã được thụ hưởng để xây dựng trên 6.180 công trình nước sạch và cầu vệ sinh ở khu vực nông thôn. Nhiều nông hộ thực hiện làm đường ống dẫn nước, xây dựng bể chứa, khoan cây nước, xây dựng hố xí tự hoại…, góp phần cải thiện chất lượng sinh hoạt, nâng cao sức khỏe và tạo nên sự khang trang của vùng nông thôn mới. Ngoài ra, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu còn triển khai nhiều chương trình cho vay khác như cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay hộ DTTS nghèo, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay đi làm việc ở nước ngoài…

Năm 2020, cùng với tăng cường đầu tư vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu còn tích cực thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với tổng dư nợ đạt gần 353 tỷ đồng/13.562 khách hàng. Đây là chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp giúp các hộ mới thoát nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo; tạo điều kiện cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ về tín dụng.

Để phù hợp với tình hình thực tế giảm nghèo ở từng địa phương, NHCSXH Việt Nam đã cho phép các đơn vị trong hệ thống linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch giữa các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch dư nợ các chương trình. Do vậy, cơ cấu dư nợ phù hợp với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỷ trọng cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo tăng, tỷ trọng cho vay hộ nghèo giảm. Trong năm 2020, NHCSXH tỉnh đã giúp hơn 4.000 lượt khách hàng là hộ mới thoát nghèo vay vốn với tổng số tiền là 119.114 triệu đồng. Với suất đầu tư bình quân trên 29 triệu đồng/hộ đã góp phần cho nhiều hộ vừa thoát nghèo, thoát cận nghèo tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phải khẳng định rằng, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, không chỉ mang lại hiệu quả cao trên lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn góp phần ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng xã hội văn minh.

Bài và ảnh Kim Trung (Báo Bạc Liêu)

Các tin bài khác