Giảm nghèo bền vững từ thực tiễn ở Quảng Bình
Đổi mới nếp nghĩ, cách làm
Quảng Bình - vùng đất giao thoa của các nền văn hóa cổ xưa và hiện đại, nơi đón nhận các giá trị kinh tế, văn hóa và xã hội quan trọng nhất của đất nước với nhiều di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh nổi tiếng; các trục giao thông huyết mạch; Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, cảng biển Hòn La, Sân bay Đồng Hới, có đường sắt Bắc - Nam… Con người Quảng Bình cần cù, chịu khó, đầy sáng tạo và dũng cảm nhưng cái nghèo vẫn đeo bám người dân Quảng Bình, đặc biệt là những người yếu thế và đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Nhận thức được điều này, cấp ủy, chính quyền địa phương một mặt, quyết liệt xóa bỏ tư duy lạc hậu, trì trệ thậm chí là ỷ lại của không ít người nghèo; một mặt đẩy cán bộ, đảng viên vào cuộc, cùng nhau thay đổi cách nghĩ, cách làm. Theo đó, công tác giảm nghèo nói chung, vùng miền núi nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Trên cơ sở các mục tiêu đề ra sát thực tiễn, các huyện đã lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã thực sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Câu chuyện của hai vợ chồng Cao Xuân Lực và Cao Thị Liên ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo dịp cuối năm 2019 đã trở thành làn gió mới, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn huyện Minh Hóa. Anh Lực tâm sự, do hai vợ chồng còn trẻ, có rừng trồng và nuôi được trâu bò, cuộc sống tạm đủ cho nên muốn dành vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để cho các hộ khó khăn hơn mình được vay. Noi gương gia đình anh Lực, ba hộ nghèo khác ở Thượng Hóa đã chủ động viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS, từ chỗ trông chờ, ỷ lại, đến tự lực vươn lên về kinh tế để thoát nghèo. Nhờ đó, từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% năm 2016, đến nay, con số này ở vùng biên giới Thượng Hóa chỉ còn 20,08%.
Câu chuyện xin ra khỏi diện hộ nghèo của anh Lực và những người dân Thượng Hóa không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của huyện miền núi Minh Hóa nữa, mà đã lan tỏa khắp các huyện, thị xã của tỉnh Quảng Bình; trở thành làn sóng phát triển SXKD và vươn lên làm giàu.
Giám đốc NHCSXH Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Trong 20 chương trình tín dụng chính sách NHCSXH tỉnh đang thực hiện, có 10 chương trình có dư nợ tăng, trong đó tập trung tăng mạnh: Hộ mới thoát nghèo 237,5 tỷ đồng (+44,4%), NS&VSMTNT 80 tỷ đồng (+16,5%), SXKD tại vùng khó khăn 36,7 tỷ đồng (+7%), giải quyết việc làm 27 tỷ đồng (+77,2%), Nhà ở xã hội Nghị định số 100/2015/NĐ-CP 50 tỷ đồng (+111%), hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg 1 tỷ đồng (+2,98%), hộ DTTS theo Quyết định 2085/QĐ-TTg 5,4 tỷ đồng (+100%), cho vay trồng rừng sản xuất phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP 2 tỷ đồng (+66,7%), cho vay nhà ở phòng tránh bão, lũ theo Quyết định 48 0,8 tỷ đồng (+2,3%).
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Trong hai năm qua, sự thay đổi cách nghĩ, cách làm đã giúp huyện nghèo Minh Hóa có thêm 59 hộ đồng bào DTTS tự nguyện làm đơn đăng ký xin thoát hộ nghèo. Tuy số hộ tự nguyện xin thoát nghèo còn ít so với số hộ nghèo trong toàn tỉnh, nhưng có thể khẳng định, ý thức của đồng bào miền núi được nâng cao, góp phần khích lệ để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS của tỉnh hiện rất khó khăn về đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, phong tục tập quán lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp, ý thức tự vươn lên của người dân chưa cao… nhất là, thiên tai thường xuyên đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giảm nghèo của tỉnh. Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại cho Quảng Bình hơn 3.500 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Bình phát sinh thêm do thiệt hại bởi bão, lũ.
Để giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi và vùng đồng bào DTTS, ngoài việc tuyên truyền thay đổi ý thức của người dân trong việc giúp họ tự tổ chức và bảo đảm cuộc sống; tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở thông tin và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng miền núi và đồng bào dân tộc; tỉnh Quảng Bình tập trung đầu tư, hỗ trợ mô hình sinh kế cho người dân để tăng thu nhập và khuyến khích tổ chức theo hình thức tập trung để giảm rủi ro và nâng cao ý thức, đồng thời tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm để tạo động lực cho người dân thực hiện mô hình. Riêng NHCSXH tỉnh Quảng Bình, luôn bảo đảm huy động đủ nguồn vốn để hỗ trợ, giúp hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, vốn SXKD, có thu nhập ổn định để thoát nghèo.
Năm 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã góp phần giúp cho hơn 12.549 hộ thoát ngưỡng nghèo, cận nghèo; 71.410 hộ có đời sống cải thiện hơn trước; 36.579 hộ vay vốn tuy chưa thoát nghèo, thoát cận nghèo nhưng có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; góp phần hỗ trợ vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm cho 5.614 lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm; giúp cho 155 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 19.533 công trình NS&VSMTNT; hơn 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, phòng tránh bão lũ an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua; 247 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, hỗ trợ cho 338 lao động được vay trả lương ngừng việc do đại dịch Covid-19. |
Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Bạc Liêu
- » Nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Có vốn đầu tư nuôi trâu, người Mông vượt "đá" vươn lên
- » Tín dụng chính sách giúp người dân Nghĩa Lộ giảm nghèo bền vững
- » Giúp hộ nghèo ở Văn Quan “an cư lạc nghiệp”
- » Hiệu quả chương trình cho vay NS&VSMTNT ở tỉnh Nghệ An
- » Vượt lên đói nghèo nhờ điểm tựa vốn chính sách
- » Vĩnh Phúc khơi thông nguồn vốn vay cho người nghèo
- » Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025
- » Sửa đổi cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH