Có vốn đầu tư nuôi trâu, người Mông vượt “đá” vươn lên
Chỗ dựa tin cậy của đồng bào
Thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố, có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi, từng bước hướng đến quy mô gia trại, góp phần nâng cao thu nhập. Từ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã vươn lên thoát nghèo.
Điển hình như gia đình ông Sùng Mí Dùng được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Hoàng Su Phì. Ông đã đầu tư làm chuồng trại, mua 3 con trâu cái về nuôi sinh sản. Đàn trâu cho thu nhập tốt, năm 2018, gia đình ông đã trả hết nợ cho ngân hàng và thoát khỏi diện hộ nghèo của thôn. Đến nay, đàn trâu của gia đình ông luôn duy trì từ 5 - 7 con.
Chủ tịch UBND xã Chiến Phố Lù Seo Seng cho biết: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã Chiến Phố đạt 6,4 tỷ đồng với 249 lượt hộ vay vốn. Với địa bàn 100% dân số là đồng bào DTTS thì các chương trình tín dụng như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ SXKD vùng đặc biệt khó khăn… đã trở thành chỗ dựa tin cậy của đồng bào. Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời nên đời sống của bà con nghèo ở xã có sự đổi thay đáng kể.
Anh Phùng Càn Sai ở thôn Bản Khun, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê được biết đến là một trong những tấm gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững tại địa phương nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Thông qua Hội Nông dân huyện Bắc Mê, anh Sai vay vốn NHCSXH số tiền 50 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại và mua trâu, bò về nuôi theo hướng hàng hóa. Mỗi năm, gia đình anh có thu nhập 40 triệu đồng từ bán trâu, bò.
Đáng chú ý, không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Sai còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trong thôn để cùng làm giàu. Anh còn vận động bà con trả lãi, vốn vay đúng hạn.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh
Hiện nay, toàn huyện Bắc Mê có trên 6.000 hộ vay vốn ưu đãi của NHCSXH với tổng nguồn vốn đạt trên 247 tỷ đồng. Doanh số cho vay của NHCSXH huyện Bắc Mê trong năm 2020 đạt 71 tỷ đồng với 1.561 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, tổng số nợ xấu giảm 281 triệu đồng so với đầu năm; nợ quá hạn còn 219 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,09% tổng dư nợ… Khách hàng chủ yếu vay vốn cho mục đích chăn nuôi gia súc, trồng rừng, cải tạo ruộng vườn. Từ đó, nhiều hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm 4%/năm.
Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Mê Nguyễn Văn Thế cho biết: Trong năm 2020, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đơn vị đã chỉ đạo sát sao việc phân vốn, giao chỉ tiêu, đôn đốc thu nợ; thường xuyên làm việc với UBND các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Trong các ngày giao dịch ở địa bàn, lãnh đạo NHCSXH huyện tham gia giao ban trực tiếp với các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội để hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nhờ đó, quy mô và chất lượng tín dụng chuyển biến tích cực.
Năm 2020, mặc dù tình hình dịch Covid-19, mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhưng NHCSXH tỉnh Hà Giang đã bám sát các chỉ tiêu kế hoạch, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tính đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh đạt 3.248 tỷ đồng, tăng 344,6 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 12%. Doanh số cho vay đạt 983,9 tỷ đồng với 21.564 lượt hộ vay vốn, tập trung ở một số chương trình cho vay như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ SXKD, giải quyết việc làm. |
Đức Thịnh
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Bạc Liêu
- » Tín dụng chính sách giúp người dân Nghĩa Lộ giảm nghèo bền vững
- » Giúp hộ nghèo ở Văn Quan “an cư lạc nghiệp”
- » Hiệu quả chương trình cho vay NS&VSMTNT ở tỉnh Nghệ An
- » Vượt lên đói nghèo nhờ điểm tựa vốn chính sách
- » Vĩnh Phúc khơi thông nguồn vốn vay cho người nghèo
- » Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025
- » Sửa đổi cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH
- » An Biên nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ mô hình dân vận khéo
- » Cần Thơ nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng chính sách