Không để người dân kiệt quệ vì ảnh hưởng của COVID-19

23/11/2021
(VBSP News) Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không chỉ gây áp lực về mặt tinh thần, mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do COVID-19, góp phần ổn định cuộc sống. Từ khi đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 186 nghìn người trở về từ các vùng dịch. Để đảm bảo người dân không ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch, song hành cùng công tác phòng, chống dịch bệnh, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên nguồn vốn vay để giải quyết việc làm cho người dân đã và đang được tỉnh khẩn trương triển khai giúp người dân vượt qua “cơn bão” COVID-19.
Có nguồn thu nhập ổn định đã giúp anh Trần Trọng Lưu phần nào vơi đi nỗi lo

Có nguồn thu nhập ổn định đã giúp anh Trần Trọng Lưu phần nào vơi đi nỗi lo

Vì khó khăn, giữa năm 2019, vợ chồng chị Lưu Thị Vân ở xã Trung Chính, huyện Nông Cống phải gửi con để vào TP Hồ Chí Minh làm thuê. Khi dịch bệnh bùng phát, họ trở về quê gần như với 2 bàn tay trắng. Không có việc làm, không thu nhập, lại nuôi 2 con nhỏ khiến cuộc sống của gia đình chồng chất khó khăn.

Ngay khi tỉnh Thanh Hóa triển khai chính sách về cho vay vốn tạo việc làm đối với lao động trở về từ vùng dịch, gia đình chị đã được vay vốn NHCSXH 40 triệu đồng. Có nguồn vốn, chị đầu tư mua máy làm giò, chả mang ra chợ bán, mỗi ngày thu lãi từ 100 - 200 nghìn đồng.

“Lúc về lo lắng lắm không biết sống thế nào, được vay vốn tôi rất phấn khởi. Nhờ nguồn vốn giờ có thu nhập lại được ở gần gia đình, con cái, cuộc sống dần ổn định”, chị Vân tâm sự.

Hơn 8 năm lăn lộn ở Hà Nội, trở về quê khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Trần Trọng Lưu ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh quyết định phát triển kinh tế gia đình ngay tại quê nhà. Được vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch, cùng với nguồn vốn tiết kiệm được, anh Lưu mua 4 con lợn giống, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi.

Anh chia sẻ: “Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH mà chúng tôi có vốn để phát triển. Thời gian tới rất mong được vay thêm nhiều nguồn vốn ưu đãi để chúng tôi tiếp tục duy trì, phục hồi sản xuất”.

Qua rà soát của Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, trong số hơn 186 nghìn người trở về từ ngoài tỉnh, có khoảng 27 nghìn lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm lại quê nhà. Để kịp thời hỗ trợ người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly. Theo đó, các ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm bắt nhu cầu của từng lao động, xây dựng các phương án cụ thể để tổ chức đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi lên tới 100 triệu đồng cho mỗi lao động.

Thực hiện phương án của tỉnh, đến nay tỉnh đã rà soát được hơn 1.700 người có nhu cầu vay vốn với số tiền 136 tỉ đồng. Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Quyền cho biết: “Trách nhiệm của chúng tôi là luôn chăm lo tới an sinh của toàn xã hội, mong người dân sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động khôi phục sản xuất để sớm vượt qua khó khăn của đại dịch”.

Vì dịch bệnh COVID-19, số người trở về quê hương từ các vùng có dịch vẫn đang từng ngày tăng lên. Việc tỉnh Thanh Hóa triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nguồn vốn, tạo việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch trong lúc này là giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất, thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ của chính quyền đối với Nhân dân. Đây thật sự là “liều vắc xin” giúp người dân tăng sức đề kháng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Mai Vy

Các tin bài khác