Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng tại NHCSXH”
Thẩm định tín dụng tại NHCSXH là quá trình tổ chức thu thập và xử lý thông tin của cán bộ tín dụng, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã thông qua việc sử dụng các công cụ kỹ thuật và kỹ năng để phân tích, đánh giá khách hàng một cách toàn diện, thống nhất và tuân thủ các quy định pháp luật nhằm làm cơ sở đưa ra quyết định cấp tín dụng. Với mô hình đặc thù riêng biệt, NHCSXH đã và đang triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo phương thức: Cho vay trực tiếp tới khách hàng vay vốn và Cho vay trực tiếp có uỷ thác một số nội dung công việc cho 4 tổ chức chính trị - xã hội. Quy trình thẩm định hai phương thức cho vay tại NHCSXH đảm bảo đầy đủ các nội dung thẩm định tín dụng, hạn chế tối đa rủi ro tín dụng, vừa phân chia quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ rõ ràng giữa các bộ phận tham gia quy trình, vừa phát huy được ưu điểm, đặc thù riêng có của hoạt động tín dụng tại NHCSXH so với các NHTM.
Thay mặt nhóm nghiên cứu đề tài, Chủ nhiệm đề tài Đào Anh Tuấn đã trình bày báo cáo tóm tắt về quá trình, kết quả nghiên cứu và một số nội dung cơ bản đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng tại NHCSXH”.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đề tài đã tập trung nghiên cứu các nội dung, hệ thống hóa cơ sở lý luận về hoạt động tín dụng ngân hàng, thẩm định tín dụng, chất lượng thẩm định tín dụng. Trên cơ sở đó, đánh giá quá trình triển khai hoạt động thẩm định tín dụng và phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động thẩm định tín dụng, thực trạng chất lượng thẩm định tín dụng tại NHCSXH trong thời gian qua trên các yếu tố: mô hình, bộ máy tổ chức hoạt động thẩm định; chính sách tín dụng; hệ thống theo dõi, đánh giá hoạt động thẩm định tín dụng… những kết quả đạt được, hạn chế cũng như nguyên nhân ở hoạt động thẩm định tín dụng tại NHCSXH.
Qua đó, kết hợp với định hướng hoạt động tín dụng nói chung và thẩm định tín dụng nói riêng của NHCSXH trong giai đoạn 2020 - 2025, đề tài đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng tại NHCSXH trong thời gian tới. Các giải pháp tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại ở hai phương thức cho vay tại một số địa phương như: Công tác thẩm định, thời gian thẩm định tín dụng còn kéo dài, cán bộ tín dụng chưa tuân thủ quy trình thẩm định, việc đánh giá chỉ tiêu định lượng còn cảm tính, không khách quan, định giá tài sản đảm bảo chưa được chú trọng.
Đề tài khẳng định việc nâng cao chất lượng thẩm định là một hướng đi đúng, hoạt động quan trọng, đóng vai trò then chốt trong hoạt động cho vay, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng. Chất lượng thẩm định được nâng cao, thời gian thẩm định được rút ngắn đã giúp nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ cho hoạt động SXKD của khách hàng. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.264 tỷ đồng vào cuối năm 2020, với gần 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay. Tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được duy trì ở mức thấp (dưới 0,5%).
Đánh giá về kết quả của đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại biểu dự buổi nghiệm thu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, được nhóm nghiên cứu thực hiện công phu, nghiêm túc, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Phát biểu kết luận, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của nhóm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra được phương pháp khảo sát, phân tích, so sánh, tổng hợp bằng các dẫn chứng số liệu cụ thể, rõ ràng. Phó Tổng Giám đốc đề nghị nhóm nghiên cứu trên cơ sở các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét nhóm tiếp tục tiếp thu một cách có chọn lọc để hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài.
Với những kết quả mà đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng tại NHCSXH” đã đạt được, Hội đồng Khoa học NHCSXH kết luận: Đề tài đáp ứng đủ điều kiện của một đề tài cấp ngành và nhất trí nghiệm thu, đánh giá loại Khá.
PV
Các tin bài khác
- » Hà Nội hỗ trợ người nghèo khôi phục sản xuất (Bài cuối - Giúp người dân tạo sinh kế, ổn định cuộc sống)
- » Hà Nội hỗ trợ người nghèo khôi phục sản xuất (Bài 1 - Chính sách đúng và trúng)
- » Vốn vay chính sách giúp nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
- » Nguồn vốn chính sách đối với đồng bào vùng cao Tây Giang
- » Vốn chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở Anh Sơn
- » Tăng hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Không để người dân kiệt quệ vì ảnh hưởng của COVID-19
- » Thực hiện hiệu quả công tác huy động tiền gửi tiết kiệm
- » Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo
- » Tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi khắc phục khó khăn do dịch COVID-19