Nghiệm thu đề tài “Tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam trong môi trường quốc tế”

08/10/2021
(VBSP News) Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học NHCSXH vừa tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp hệ thống “Tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam trong môi trường quốc tế” do Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và truyền thông (HTQT&TT) làm Chủ nhiệm đề tài. Tham dự buổi nghiệm thu có Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cùng cùng các Ủy viên Hội đồng nghiệm thu.
6X0A4989

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam phần lớn được thực hiện qua NHCSXH - một mô hình ngân hàng cung cấp tài chính vi mô phát triển rất thành công trong thời gian qua. NHCSXH được đánh giá là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo với phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện dân chủ, công khai các sản phẩm tín dụng phục vụ người nghèo và các đối tượng yếu thế, tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tín dụng và các dịch vụ tài chính đa chiều cho người dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Vì vậy, trước thành công của mô hình NHCSXH, đề tài “Tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam trong môi trường quốc tế” được nhóm nghiên cứu đưa ra nhằm phân tích thực trạng tài chính vi mô trên thế giới và tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam, cụ thể là mô hình NHCSXH, để có thể nhận rõ về ưu điểm và những vấn đề cần cải thiện để phát triển mô hình cung cấp tín dụng chính sách xã hội và các dịch vụ tài chính khác của NHCSXH trong bối cảnh phát triển của tài chính vi mô toàn cầu.
Trên phương diện thực tiễn, đề tài đã vận dụng các phương pháp hợp lý, kết hợp lý luận với điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng về các vấn đề có liên quan đến quá trình phát triển tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH và các mô hình tài chính vi mô trên thế giới ở các châu lục khác nhau; đặc biệt là khu vực Châu Á, nơi có số người nghèo cao và tập trung nhiều loại hình và tổ chức tài chính vi mô nhất thế giới từ năm 1980 đến hết năm 2020. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu ở giai đoạn 1991 - 2020 là thời kỳ mà các tổ chức tài chính vi mô bắt đầu được chú ý và phát triển mạnh và cũng có nhiều biến động dẫn đến nhiều sự thay đổi. Từ đó, làm rõ quan điểm phát triển tài chính vi mô, tài chính toàn diện trên thế giới với quan điểm phát triển NHCSXH ở Việt Nam hiện nay.
Hoạt động của NHCSXH đã được các tổ chức quốc tế, Hiệp hội các ngân hàng nông nghiệp khu vực Châu Á - Thái Bình dương công nhận và phổ biến ra thế giới. Bước đầu, đã có NHCS Lào áp dụng mô hình của NHCSXH Việt Nam đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH vẫn còn một số hạn chế so với các mô hình của tài chính vi mô như: Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, Sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa thật sự đa dạng và Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chưa cao.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất các giải pháp giới thiệu mô hình tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam ra thế giới, đến các nước phù hợp, để các tổ chức tài chính, Chính phủ các nước có thể tham khảo, xây dựng thành những mô hình ngân hàng phục vụ người yếu thế phù hợp nhất, thúc đẩy giảm nghèo bền vững trên toàn thế giới đồng thời góp phần tạo ảnh hưởng của nước Việt Nam nói chung và mô hình đặc thù của NHCSXH nói riêng.
Đánh giá về kết quả của đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại biểu dự buổi nghiệm thu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài được nhóm nghiên cứu thực hiện công phu, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Các ý kiến của thành viên Hội đồng nghiệm thu và đại biểu đã bổ sung, góp ý vào một số nội dung trong đề tài còn thiếu sót, chưa phù hợp với thực tiễn.
Ghi nhận và đánh giá cao những nội mà nhóm nghiên cứu đề tài trình bày, Phó Tổng Giám đốc Trần Lan Phương - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhất trí với các nhận xét, đánh giá, phản biện của thành viên hội đồng; đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học. Đồng thời, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên hội đồng, đại biểu dự buổi nghiệm thu để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ và hoàn chỉnh, sớm đưa vào áp dụng trong thực tiễn, từ đó làm cơ sở đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và truyền thông quốc tế để hình ảnh NHCSXH ngày càng được nhận biết và áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Đề tài đã được Hội đồng khoa học NHCSXH đánh giá cao và xếp loại Khá.

PV

Các tin bài khác